Những dấu ấn nhiệm kì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
VOV.VN - Mặc dù còn một số điểm yếu tồn tại, song Thủ tướng đã có nhiều đóng góp tích cực trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế và đẩy lùi lạm phát.
Theo chương trình của Kì họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII, sáng nay (6/4), Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, tính tới thời điểm Quốc hội miễn nhiệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giữ chức vụ Thủ tướng được 9 năm 10 tháng. Trước đó, ông đã từng giữ chức Phó Thủ tướng trong 2 nhiệm kỳ.
Đánh giá nhiệm kỳ vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một số Đại biểu Quốc hội nhận định rằng, mặc dù còn một số điểm yếu tồn tại, song trong nhiệm kì vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế và đẩy lùi lạm phát.
Cảm nhận về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua liên tục 2 nhiệm kì giữ trọng trách người đứng đầu Chính phủ, Đại biểu Dương Trung Quốc phải thừa nhận rằng, để đánh giá được hết là điều không hề đơn giản. Điều dễ nhận thấy nhất là trong 2 nhiệm kì qua là bước chuyển quan trọng trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam gia nhập WTO, thực sự bước vào câu chuyện gắn đổi mới với hội nhập, có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều thách thức.
“Nếu chứng kiến những gì Thủ tướng đã làm sẽ thấy đó là con người rất năng động. Rõ ràng là từ những bước đi ở nhiệm kì đầu tiên, do sự thiếu bền vững nên để lại nhiều hậu quả. Song ở nhiệm kỳ sau, chính Thủ tướng lại là người đã khắc phục được những khiếm khuyết đó. Với những câu chuyện liên quan đến Vinashin, Vinalines, Bauxite… ở nhiệm kỳ thứ 2, Thủ tướng đã giải quyết được căn bản. Cùng thời điểm này có nhiều yếu tố khách quan mang đến, như khó khăn của kinh tế thế giới, tình hình Biển Đông nổi lên… nhưng Thủ tướng đã từng bước điều hành Chính phủ vượt qua là những việc làm đáng được ghi nhận”, Đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Tuy nhiên, Đại biểu Dương Trung Quốc cũng bày tỏ, ông vẫn có cảm giác Chính phủ giỏi ứng phó nhiều hơn là có đường hướng chủ động để phát triển lâu dài. Bởi lẽ Chính phủ chú ý đến chỉ tiêu của Quốc hội từng năm, việc đưa ra chỉ tiêu để phấn đấu là đúng, nhưng chỉ tiêu vẫn không phản ánh hết được nền tảng hoạt động.
Trong khi câu chuyện nợ công vẫn còn nhức nhối làm mất đi không ít cơ hội, khả năng tiếp cận nguồn vốn ODA của nước ta đang phải ở trong tâm thế khác. Ngoài ra, lĩnh vực đất đai và môi trường là những nền tảng của tính bền vững cho nên nhiệm kỳ của thủ tướng mới sẽ hết sức nặng vì không chỉ vượt quả những thách thức của hiện tại, mà còn phải khắc phục những tồn tại hiện có.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: “Chỉ số niềm tin trong nhân dân đã tăng lên”
Nhận xét về Thủ tướng và công tác điều hành Chính phủ, Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, ở đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng mỗi người đều nhận thấy còn có nhiều mông lung, trong khi chỉ số lạm phát, chỉ số niềm tin của nhân dân giảm sút nhiều. Nhưng sau qua kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, sau khi kiện toàn bộ máy nhân sự trong đó Thủ tướng và Phó Thủ tướng, qua 5 năm nhiệm kỳ đã cho thấy rất rõ vai trò điều hành của Chính phủ. Trong đó có dấu ấn quan trọng đó là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế có sự tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.
Đặc biệt là 2015 có tốc độ kinh tế tăng trưởng cao nhất trong 5 năm. Chỉ số giá tiêu dùng giảm xuống ở mức thấp nhất trong tầm kiểm soát, lãi suất ngân hàng giảm tới 5%, bằng và tương đương lãi suất năm 2008. Thị trường vàng USD đã kiểm soát được. giá cả xăng dầu chuyển dần theo cơ chế thị trường. Chỉ số niềm tin trong nhân dân tăng lên, tình hình kinh tế ổn định hơn so với những năm trước, qua đó rút ra bài học trong những năm tới, để nhiệm kỳ tiếp theo kế thừa tốt hơn.
“Sẽ có hàng loạt các thách thức đặt ra cho các lãnh đạo cấp cao trong thời gian tới, nhưng tôi tin tưởng với lời tuyên thệ sâu sắc và với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân thì sẽ toàn tâm toàn ý đưa đất nước vượt qua khó khăn. Kỳ vọng Quốc hội khóa XIV sẽ có những đột phá mạnh mẽ hơn trong xây dựng hệ thống luật hoàn thiện hơn và quyết định những vấn đề kinh tế của đất nước. Trong đó cần tập trung mạnh đưa ra giải pháp phát triển kinh tế tốt hơn, cũng như những giải pháp bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, Đại biểu Đỗ Văn Vẻ bày tỏ.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: “Bước đột phá thể chế kinh tế quan trọng”
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình - ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, thành công của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kì vừa qua chính là nỗ lực kéo lạm phát cao từ 18% xuống mức thấp như hiện nay, đồng thời duy trì ổn định kinh tế. Đặc biệt ở cuối nhiệm kì, Thủ tướng cũng như Chính phủ đã có nỗ lực tìm những bước đột phá, tạo ra những cách thức thay đổi về thể chế kinh tế, đó là nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, tìm ra con đường để tạo bước đột phá là thành công lớn nhất của Chính phủ để quản lý kinh tế và doanh nghiệp.
“Thành công lớn nhất của Thủ tướng và Chính phủ là đã duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô, bước đầu mở ra mũi đột phá trong phát triển, cải cách thể chế, ký kết các Hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy kinh tế phát triển”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.
Cho rằng Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, khi nền kinh tế nước ta đã trải qua thời kỳ giông bão từ mức độ lạm phát 18% và lãi suất cho vay trên 20%, đó là thách thức rất lớn, Đại biểu Vũ Tiến Lộc đánh giá, thành công lớn hơn của Chính phủ là nước ta duy trì được môi trường hòa bình ổn định, tăng trưởng, kéo giảm lạm phát và lãi suất ở mức cao để duy trì tăng trưởng và phát triển.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định, giai đoạn 5 năm tới là hết sức quan trọng, Chính phủ phải xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng phải theo chuẩn mực hiện đại, nghĩa phải tạo bước đột phá trong hội nhập. Đồng thời cũng phải đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế tư nhân khi nước ta hội nhập ở đẳng cấp cao nhất và chỉ thành công khi Chính phủ thực sự tạo ra sự đột phá./.