Những "hạt giống đỏ": Hành trình không ngừng tu dưỡng
VOV.VN - Đứng trong hàng ngũ của Đảng là một vinh dự, tự hào lớn, nhưng đó không phải là đích đến cuối cùng mà là khởi đầu của hành trình không ngừng học tập, luyện rèn, phấn đấu, tu dưỡng bản thân của những "hạt giống đỏ". Đó là một hành trình lâu dài, gian nan và liên tục mà mỗi "hạt giống đỏ" phải tự đấu tranh với chính mình.
Vào Đảng là một vinh dự, tự hào lớn lao của mỗi đảng viên, nhưng đó không phải là đích đến cuối cùng mà là khởi đầu của hành trình không ngừng tu dưỡng bản thân. Trong quá trình đổi mới, mở cửa, một bộ phận cán bộ, trong đó có người trưởng thành từ khi còn rất trẻ, từng được coi là những "Hạt giống đỏ" có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; thăng tiến quá nhanh, không đáp ứng được yêu cầu về vị trí khiến người dân không hài lòng. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với mỗi đảng viên trẻ nói riêng và đảng viên nói chung phải luôn "tự soi", "tự sửa", tự hoàn thiện chính mình để bài trừ sự tha hóa, biến chất, để dốc lòng, cống hiến tài năng, trí lực và n hiệt huyết cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.
20 năm trước, ngày 7/5/2003, dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chứng kiến của các thầy cô giáo trong Đảng bộ trường THPT Kim Liên, thành phố Hà Nội, đảng viên trẻ Nguyễn Minh Trâm vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng: "Tôi mặc áo dài trắng, đứng trong hàng ngũ cùng với các thầy cô giáo của mình, những người thầy hàng ngày truyền thụ cho tôi kiến thức, giây phút ấy tôi vinh dự được gọi bằng hai từ "đồng chí".
Trở thành đảng viên khi mới 18 tuổi, Nguyễn Minh Trâm ý thức nhiệm vụ chính trị quan trọng là "học tập, rèn luyện". Trong suốt 20 năm qua, đảng viên trẻ không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng đảng viên. Nguyễn Minh Trâm luôn thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người cán bộ cách mạng, luôn ý thức rèn đức, luyện tài để cống hiến cho Đảng, cho đất nước.
Giờ đây, khi đang công tác tại Bộ Ngoại giao, người đảng viên Nguyễn Minh Trâm vẫn nỗ lực trau dồi chuyên môn và phẩm chất đạo đức, để góp phần xây dựng nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại: "Lời tuyên thệ đảng viên tôi đã đọc 20 năm trước giống như kim chỉ nam cho tôi trong suốt quãng đường sau này. Việc kết nạp Đảng mới chỉ là sự khởi đầu cho một quá trình tu dưỡng và rèn luyện mới của tôi. Trong 20 năm qua, dù học tập, làm việc ở cương vị nào tôi cũng luôn ý thức mình là đảng viên và hoàn thành tốt những nhiệm vụ của đảng viên".
Ngược dòng thời gian, ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã tổ chức phát hiện đảng cho những học sinh yêu nước trong các trường học, trong giai đoạn giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc: "Tôi kết nạp đảng năm 1943. Lúc đó là học sinh trường Bưởi. Kết nạp các anh tuyên bố rằng đã vào Việt Minh. Trong Việt Minh thì có Đảng lãnh đạo".
80 năm trước, khi còn là học sinh trường Bưởi, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Phúc (tức Lê Đức Vân) được biết đến là một học sinh "kiên gan, giàu lòng yêu nước", đã tích cực tham gia các hoạt động cách mạng tại Thủ đô và giác ngộ lý tưởng của Đảng. Đứng trong hàng ngũ của Đảng khi tròn 16 tuổi, đảng viên trẻ Nguyễn Hữu Phúc nhận rõ trách nhiệm mình, đặc biệt với vai trò phụ trách tờ báo Hồn nước - một tờ báo của thanh niên được thành lập năm 1943, tiếng nói của Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đảng viên Nguyễn Hữu Phúc tiếp tục tham gia xây dựng Thủ đô. Dù là cán bộ cơ sở, hay khi là Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức, Bộ Văn hóa... ở cương vị nào, ông cũng giữ bản chất tiên phong, gương mẫu, sắt son lời thề theo Đảng: "Lúc đó thật sự là chỉ có ý nghĩ Đảng phụ trách các tổ chức Việt Minh. Công việc chính của tôi lúc đó là ra một tờ báo cứu quốc, vận động phong trào cứu nước trong thanh niên. Tôi chịu trách nhiệm vừa là chủ bút, lo bài, vừa là người tổ chức cơ quan in tờ báo đó".
Đó là 2 trong số rất nhiều đảng viên được kết nạp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Giờ đây, sau 20 năm hay 80 năm, họ vẫn luôn giữ bản chất tiền phong, gương mẫu, đặc biệt không ngừng rèn luyện, tu dưỡng để xứng đáng là người đảng viên. Nhà trường là nơi để các quần chúng ưu tú thể hiện bản thân, phấn đấu, rèn luyện về năng lực, trí tuệ. Những học sinh có năng lực đều xứng đáng để lựa chọn, bồi dưỡng, trở thành nguồn nhân tài, những cán bộ chủ chốt trong tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, mở cửa, một bộ phận cán bộ, trong đó có người từng được coi là "Hạt giống đỏ" có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; thăng tiến quá nhanh, không đáp ứng được yêu cầu về vị trí, khiến người dân không hài lòng. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với mỗi đảng viên phải luôn "tự soi", "tự sửa", tự hoàn thiện chính mình, không bị sa vào tình trạng bị "đuối sức" thậm chí "mất sức chiến đấu".
GS.TS. Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: "Kết nạp đảng trong trường THPT là việc lựa chọn sớm, để có định hướng bồi dưỡng, đào tạo và tạo cơ hội cho các bạn thử thách. Nhưng không có nghĩa rằng, tất cả những "hạt giống" mà chúng ta gieo đều trở thành những cái cây đơm hoa kết trái tốt. Chúng ta phải tiếp tục rèn luyện, lựa chọn trong số những "hạt giống" đó để có được những thành quả thực sự xứng đáng với những tiêu chí, tiêu chuẩn các điều kiện của một người cán bộ đảng viên".
Còn PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: "Tôi dám chắc bây giờ có những đảng viên mới đang công tác ở các cơ quan chưa hiểu đầy đủ lý tưởng, mục tiêu chính trị, phẩm chất chính trị là gì, tự rèn luyện cá nhân như thế nào... để xứng đáng một người đảng viên cộng sản. Từ đấy mà đi đến xác định trách nhiệm công dân, trách nhiệm đảng viên để đảm đương những chức trách được giao".
Rời mái trường THPT, những "hạt giống đỏ" sẽ đặt chân đến những chân trời mới, không còn thầy, cô bên cạnh; không còn Chi bộ nơi dìu dắt, kết nạp vào đảng... Tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm sống chưa nhiều, làm quen với môi trường mới... Đó là những thử thách mà các đảng viên trẻ phải vượt qua. Chẳng hạn, khi sinh hoạt chi bộ, các đảng viên trẻ có tâm lý lo ngại không? có dám nêu những ý kiến khác với các đảng viên có tuổi đời bằng cha, chú của mình hay không?
Đó là lúc mỗi đảng viên trẻ phải luôn giữ vững được bản lĩnh, trách nhiệm của người đảng viên, lan tỏa tới các bạn cùng trang lứa những điều tốt đẹp về lý tưởng của Đảng, về trách nhiệm của thanh niên Việt Nam đối với dân tộc, đối với Tổ quốc. Để có được lớp thanh niên "vừa hồng, vừa chuyên", kết tinh, vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng từ trong ghế nhà trường, yêu cầu đặt ra đối với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thông qua các phong trào thi đua để kịp thời phát hiện những quần chúng ưu tú cho Đảng.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết khẳng định: "Chúng tôi xác định đây là mục tiêu xuyên suốt trong các hoạt động của mình, tạo môi trường để cho các bạn đoàn viên thanh niên được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Chúng tôi tiếp tục quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động, tạo môi trường, nhất là trong những môi trường. Chúng ta kỳ vọng một đội ngũ Đảng viên có sức khỏe, có tố chất và chất lượng, đóng góp vào công tác của Đảng sẽ cao hơn so với những đối tượng khác".
Việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm đặc biệt quan trọng. Từ đây, sản phẩm đầu ra của nhà trường không chỉ là những đảng viên có trình độ chuyên môn, có hoài bão, có kiến thức, kỹ năng phục vụ công việc cho cơ quan, đơn vị mà trong tương lai có thể trở thành những nhà lãnh đạo có tâm, có tầm của Đảng, đất nước.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong mong muốn: "Đây là một bước khởi đầu, một dấu ấn vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Các bạn đã tự nguyện, tìm hiểu, nghiên cứu rèn luyện, phấn đấu để các đồng chí được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đây là sự ghi nhận của Đảng, sự tiếp nhận của Đảng. Mong rằng các bạn sẽ tiếp tục rèn luyện, nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa. Bởi tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng để chúng ta được rèn luyện, cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho dân tộc Việt Nam, cho Đảng Cộng sản Việt Nam".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần chia sẻ về lẽ sống của người đảng viên: Đó là phải giữ cho được, làm cho đúng theo tư cách, đạo đức, danh dự của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người lãnh đạo. Bởi một công bộc của một quốc gia liêm chính phải: có Đức - có Tài- phải Chí công vô tư. Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng: "Muốn là người đảng viên, muốn là người cán bộ trước hết phải là một con người chân chính, một con người biết trọng liêm sỉ, trọng danh dự. Danh dự là thứ cao quý nhất trên đời thì danh dự là biểu hiện cao nhất của liêm sỉ. Đó là yêu cầu trước hết, cũng là yêu cầu cuối cùng của cán bộ đảng viên chúng ta. Dù giữ chức vụ to hay nhỏ, dù ở trung ương hay ở cơ sở thì trước hết phải là con người ngay ngắn, con người chân chính".
Nhiều học sinh đã vinh dự, tự hào đứng trong hàng ngũ của Đảng khi mới tròn 18 tuổi- Đó là những "hạt giống đỏ", những thanh niên đầy nhựa sống - đang ra sức nỗ lực học tập, nghiên cứu và cống hiến để vun đắp cho những ước mơ và hoài bão cao đẹp của mình, góp phần xây dựng nước nhà thêm mạnh, thêm giàu, thêm văn minh, hạnh phúc.
Để phát triển đảng viên trẻ, nhất là trong học sinh rất cần có những nghiên cứu, giải pháp và biện pháp thiết thực, hiệu quả và lâu dài để giúp các bạn trẻ ngày thêm trưởng thành. Đặc biệt chú ý chất lượng đảng viên được kết nạp và không chạy theo số lượng hay theo phong trào.