Những năm tháng hoạt động của các nhà cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc
Những hình ảnh, tư liệu, hiện vật còn lưu giữ ở Quảng Tây và Quảng Đông (Trung Quốc) như nhắc nhở thế hệ trẻ về một thời đầy gian khổ của những người yêu nước Việt Nam.
Hơn 80 năm trước, phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân và những người yêu nước Việt Nam đã tạo tiền đề cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời gian đó, Bác Hồ và một số cán bộ lãnh đạo của Đảng đã có thời gian dài hoạt động bí mật tại tỉnh Quảng Châu và Quảng Đông (Trung Quốc) để chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Tại đây, các nhà cách mạng Việt Nam luôn nhận được tình cảm chân thành, sự giúp đỡ chí tình, sự yêu thương, đùm bọc và che chở của nhân dân Trung Quốc.
Thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) vẫn còn lưu giữ di tích trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội (một tổ chức tiền thân của Đảng). Tại đây, hàng trăm thanh niên yêu nước Việt Nam đã được đào tạo, huấn luyện để trở thành những cán bộ cách mạng sau này.
Khu vực trung tâm thành phố Quảng Châu còn có nghĩa trang Hoàng Hoa Cương êm đềm, tĩnh lặng, thu hút đông đảo người dân đến thăm mỗi ngày. Cũng tại nghĩa trang này, người thanh niên Việt Nam yêu nước Phạm Hồng Thái đã yên nghỉ cùng 72 chiến sĩ cách mạng của Trung Quốc hy sinh trong cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911.
Tháng 4/1924, Phạm Hồng Thái gia nhập tổ chức Tâm Tâm xã do Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn thành lập. Ngày 19/6/1924, sau khi viết bản cáo trạng tố cáo tội ác của thực dân Pháp với nhân dân toàn thế giới, Phạm Hồng Thái giả làm phóng viên vào Khách sạn Victoria tại tô giới Sa Diện ở Quảng Châu để ám sát toàn quyền Đông Dương Merlain. Sự kiện không thành, toàn quyền Merlain thoát chết, Phạm Hồng Thái đã anh dũng hy sinh, nhưng tiếng bom Phạm Hồng Thái được gọi là "Tiếng bom Sa Diện", làm chấn động dư luận và có tác động thôi thúc, lôi cuốn những người yêu nước Việt Nam.
Khu mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái trong nghĩa trang Hoàng Hoa Cương được xây dựng tại nơi có nhiều cây xanh cổ thụ, có con đường riêng. Bia mộ ghi bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc: “Mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái, sinh ngày 14/5/1895, hy sinh ngày 19/6/1924”. Chị hướng dẫn viên Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương cho biết: “Mỗi năm có hàng ngàn người từ khắp nơi tới viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái, bày tỏ lòng kính phục một thanh niên Việt Nam yêu nước, đã hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân. Rất nhiều bạn trẻ khi tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử cũng tìm hiểu nhiều về các tổ chức của những nhà hoạt động Cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc thời kỳ đó”.
Sau này, nhiều hội viên của Tâm tâm xã đã trở thành hạt nhân của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu (tháng 6/1925). Những người cộng sản đầu tiên như Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu… đã từng hoạt động trong tổ chức Tâm tâm xã. Theo tài liệu của Quốc tế cộng sản, “đây là nhóm đầu tiên, từ đó mà tương lai có nhóm Cộng sản Đông Dương xuất hiện”.
Đầu tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập tại Hongkong, Trung Quốc. Từ đó phong trào cách mạng trong nước ngày càng sục sôi. Thực dân Pháp tìm mọi cách để truy tìm, bắt bớ những người Cộng sản. Trước tình hình đó, các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam phải chuyển sang hoạt động bí mật. Bác Hồ và nhiều đồng chí của Người đã nhiều lần sang Quảng Tây, Trung Quốc để hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước, tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền vào mùa thu năm 1945. Ở nơi nào, Bác cũng nhận được sự đùm bọc, che chở và ủng hộ của nhân dân địa phương.
Ngôi nhà số 74-76, phố Nam, huyện lỵ Long Châu, nay là số nhà 99, được xây dựng thành Bảo tàng Hồ Chí Minh từ ngày 19/5/2006. Ngoài cửa vào ghi dòng chữ “Nơi cơ quan bí mật cũ của những người cách mạng Việt Nam tại Long Châu”. Với diện tích trưng bày hơn 1.200 m2, chia thành hai tầng. Tầng 1 có chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc” và tầng 2 là “Người cách mạng Việt Nam với Long Châu” trưng bày hơn 600 bức ảnh và hơn 60 hiện vật.
Trong số 600 bức ảnh, có một bức ảnh được sưu tầm năm 1964 gồm 37 cán bộ cách mạng Việt Nam hoạt động tại khu vực Long Châu trong đó có Hồ Chí Minh, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Lê Quảng Ba, Hoàng Văn Khiêu, Hoàng Minh Thảo…
Theo ông Hoàng Chí Quang, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, từ ngày khai trương bảo tàng đã tiếp đón hơn 60 đoàn đến thăm với trên 7.000 lượt người. Bảo tàng là một trong những nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh thiếu niên và người dân hai nước Trung - Việt. Ông Quang nói: “Chúng tôi luôn ý thức rằng, Bác Hồ là người thầy vĩ đại, cùng với các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam hoạt động vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và vì độc lập tự do. Chúng tôi rất mong qua bảo tàng sẽ giáo dục cho mọi người niềm tự hào về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự hi sinh của những bậc tiền bối”.
Hơn 70 năm trước, Bác Hồ cùng nhiều nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam chọn thôn Na Tạo, xã Hà Động, huyện Long Châu làm địa điểm hoạt động. Chị Nông Tiểu Chân, cháu nội cụ Nông Kỷ Chấn, một người bạn và cũng là người từng giúp đỡ, bảo vệ Bác Hồ và các đồng chí của Người tại thôn Na Tạo kể lại: “Khi còn bé, thỉnh thoảng tôi được nghe bố kể chuyện về ông nội với Bác Hồ và các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Chu Văn Tấn, Hoàng Quốc Việt, Bế Chấn Hưng cũng như nhiều nhà cách mạng khi hoạt động bí mật ở đây. Bác Hồ và các vị lãnh đạo đều được bà con che chở, giúp đỡ nơi ăn, chốn ở; được bảo vệ mỗi khi bị mật thám truy tìm”.
Còn ông Nông Nhân Tiêu, 76 tuổi, con trai cụ Nông Hiển Nghĩa nhớ lại: “Có lần, Bác Hồ đến hoạt động tại thôn, Bác mặc bộ quần áo của lính Quốc dân Đảng để trà trộn che mắt bọn mật thám nhưng vẫn bị chúng nghi ngờ, bám theo. Cụ Nông Hiển Nghĩa lấy bộ quần áo của người dân đưa Bác mặc vào rồi đi chăn trâu. Nhờ vậy Bác thoát khỏi sự theo dõi của bọn mật thám”.
Ông Nông Nhân Tiêu chỉ tay lên ngọn núi phía trước nhà, cho biết đó là hang Nham Lội, cũng chính là nơi ở của Bác Hồ và nhiều người nữa mà ông không nhớ tên. Hang Nham Lội chỉ rộng chừng vài chục mét vuông có thể nhìn bao quát lối ra vào thôn và có lối thoát khi cần thiết. Cao hơn cửa hang chừng ba mét, là một phiến đá phẳng cũng là chiếc “giường” của Bác Hồ. Tại hang này, những nhà hoạt động cách mạng Việt Nam đã in nhiều tài liệu, truyền đơn phục vụ cách mạng và đồng thời hội họp, bàn bạc công việc.
Giáo sư Hoàng Tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Quảng Tây đã có hơn 20 năm nghiên cứu, sưu tầm để viết nhiều cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những cuốn sách và ảnh của Giáo sư Hoàng Tranh như một kho tư liệu quý về Bác Hồ và các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam hoạt động tại (Trung Quốc) trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đến thời điểm giành chính quyền vào tháng 8/1945.
Giáo sư Hoàng Tranh cho biết: “Bác Hồ hoạt động ở Trung Quốc những năm 1920 thời gian khá dài. Người đã có hàng chục lần đến Quảng Tây, Hongkong, Vân Nam. Trong nhiều bài nói chuyện của mình, Bác nêu những ví dụ của cách mạng Trung Quốc, cách mạng Việt Nam. Tôi thấy đây là điều hết sức đáng quý”.
Tám mươi năm đã trôi qua, những hình ảnh, tư liệu, hiện vật còn lưu giữ được ở một số địa phương ở Quảng Tây và Quảng Đông (Trung Quốc) như nhắc thế hệ trẻ về một thời đầy gian khổ, hy sinh của những người yêu nước Việt Nam tạo tiền đề để Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo nhân dân làm nên nhiều thắng lợi to lớn. Đó là thành quả mà Đảng đã cầm lái con thuyền vượt muôn trùng sóng gió, đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho mọi nhà./.