Những người giữ làn sóng phát thanh ở thời điểm quyết định ngày 30/4
VOV.VN - Làn sóng ấy được giữ bởi những công nhân kỹ thuật rất bình thường của
Trung tâm Phát tuyến Quán Tre lúc đó.
Trung tâm Phát tuyến Quán Tre lúc đó.
Vào những ngày tháng Tư lịch sử 40 năm trước, có làn sóng phát thanh được giữ vững, duy trì từ quân đội, chính quyền của chế độ cũ sang đến quân giải phóng - chính quyền cách mạng, phát thanh trọn vẹn lời kêu gọi đầu hàng của Dương Văn Minh và cả chính sách khoan hồng của quân đội, nhà nước ta.
Làn sóng phát thanh ấy đã góp phần loan báo niềm vui hòa bình, độc lập và quan trọng hơn là tránh đổ máu của người Việt Nam trong thời điểm giao tranh quyết định. Làn sóng ấy được giữ bởi những công nhân kỹ thuật rất bình thường của Trung tâm Phát tuyến Quán Tre lúc đó, những người mà trước ngày 30-4 chưa hề được giác ngộ cách mạng hay tiếp xúc với bộ đội giải phóng.
Ông Trần Kim Liếng đến bây giờ vẫn nhớ như in ca trực ngày 30/4/1975 ở Trung tâm Phát tuyến Quán Tre. Trước đó mấy hôm, ông và anh em kỹ thuật của Đài đã cảm thấy có gì đó “không bình thường” khi thời gian phát các chuyên mục của Đài phát thanh Quân đội và Đài phát thanh Sài Gòn có sự xáo trộn, nhân viên kỹ thuật phát sóng phải dùng băng nhạc chèn vào nhiều hơn vì các chương trình hay bị gián đoạn, thỉnh thoảng lại có một vài tướng lĩnh Sài Gòn tuyên bố này nọ trên sóng phát thanh…
“Giờ đó là buổi trưa, anh em tập trung trước cửa phòng phát sóng thì nghe lời đầu hàng vô điều kiện của Dương Văn Minh. Mừng quá thôi, chờ mấy hôm rồi. Cũng sợ cách mạng vô có gì với mình không, nhưng mà bình thường, không có gì hết. Anh em vô thì tôi vẫn điều hành, vẫn chạy máy phát. Rồi tôi làm suốt luôn đến lúc hưu”, ông Trần Kim Liếng hồi tưởng.
Khi ấy, cả Trung tâm Phát tuyến Quán Tre có gần 50 nhân viên kỹ thuật và hầu như không ai bỏ vị trí làm việc vào thời điểm quyết định đó - thời điểm giải phóng Sài Gòn. Với tâm niệm phải giữ cho được làn sóng, phát sóng liên tục, bất cứ khi nào có tín hiệu, các nhân viên kỹ thuật ở đây vẫn làm đúng các quy trình.
Sau lời kêu gọi của Dương Văn Minh, chưa có chương trình phát thanh của cách mạng thì nhân viên kỹ thuật để băng nhạc vào phát chờ. Máy móc, nhà cửa được giữ nguyên, không xê dịch, không đập phá.
Ông Hồ Văn Dờ, công nhân điện cơ của Trung tâm Phát tuyến Quán Tre kể lại: “Lúc đó, ông Đào Văn Nam là Trưởng đài ở đây có nói: Tất cả các anh em ở đây mình phục vụ công tác phát sóng thì khi cách mạng vào đây sẽ sử dụng các con người, thiết bị ở đây, chúng ta nên an tâm làm việc. Thành ra anh em ở đây tiếp tục làm việc, đón cách mạng vào đây tiếp quản cơ sở này. Thực tế sau này, tất cả anh em kỹ thuật ở đây cách mạng vẫn sử dụng lại hết”.
Khi bộ đội ta, trong đó có những cán bộ kỹ thuật của Đài phát thanh Giải phóng từ căn cứ vào tiếp quản Sài Gòn, các nhân viên ở đây đã ngay lập tức hợp tác nhịp nhàng, hướng dẫn tận tình, chi tiết về máy móc.
Ông Nguyễn Văn Hòa - khi đó là nhân viên Đài phát thanh Giải phóng từ chiến khu ra tiếp quản Trung tâm Phát tuyến Quán Tre - nhớ lại: “Ngày 1/5 thì bắt đầu củng cố trở lại ca kíp và tìm hiểu củng cố lại nguyên xi phần tổ chức, máy cũng chưa thay đổi. Hầu như củng cố khâu làm việc để đảm bảo làn sóng. Hồi đó, tôi cũng đảng viên lâu rồi nên Đảng ủy giao là cái gì thì cái, phải giữ nguyên bộ máy, vì công nhân không có vấn đề gì nên phải giữ nguyên, cái gì chưa thích hợp thì dần dần cải tiến, không được phân biệt đối xử. Cho nên, anh em của chế độ cũ và cả vợ con người ta mến mình lắm”.
Cứ như vậy, toàn bộ nhân viên của Trung tâm Phát tuyến Quán Tre cũ được chính quyền cách mạng tiếp nhận và tiếp tục ổn định công việc. Tất cả đều làm đến khi nghỉ hưu. Ông Hồ Văn Dờ sau đó còn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đóng góp nhiều cho Đài phát sóng Quán Tre của Đài Tiếng nói Việt Nam sau này. Nhiều máy móc, thiết bị, cơ sở hạ tầng được Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục khai thác và đầu tư thêm, đảm bảo cho làn sóng của Đài ngày càng bay cao, vươn xa./.