Những người lính Việt mang trọng trách gìn giữ hòa bình thế giới

VOV.VN - Việc có thêm 7 sĩ quan Việt Nam nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ năm 2019 cho thấy sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế vào người lính Bộ đội cụ Hồ.

Giữ vững phẩm chất, danh hiệu Bộ đội cụ Hồ

Sáng 28/6 đã diễn ra lễ trao quyết định của Chủ tịch nước và giao nhiệm vụ cho 7 sĩ quan được giao làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trong thời gian 12 tháng.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - trao quyết định của Chủ tịch nước cho 7 sĩ quan đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Trong đó, 2 sĩ quan được cử đi làm nhiệm vụ tại Nam Sudan đợt này gồm: Trung tá Lương Trường Vinh làm Quan sát viên quân sự; Thiếu tá Trịnh Văn Cường làm Quan sát viên quân sự.

5 sĩ quan khác làm nhiệm vụ tại Trung Phi gồm: Trung tá Hoàng Trung Kiên làm sĩ quan tham mưu tác chiến; Trung tá Nguyễn Thị Liên làm sĩ quan tham mưu đào tạo; Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng làm Sĩ quan tham mưu phân tích tình báo; Đại uý Lê Hồng Quân làm Sĩ quan tham mưu trang bị; Đại uý Trần Thanh Sơn làm quan sát viên quân sự.

Phát biểu trong lễ giao nhiệm vụ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh căn dặn: “Dù đi đâu, làm gì thì các cán bộ, sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng cần phải giữ phẩm chất, danh hiệu Bộ đội cụ Hồ. Dù hoàn cảnh khó khăn như thế nào, các sĩ quan quân đội Việt Nam phải giữ được đoàn kết trong nội bộ và đoàn kết quốc tế; tuyệt đối không để xảy ra vi phạm kỷ luật quân đội và quy định Liên Hợp Quốc”.

Sau 5 năm triển khai, từ tháng 6/2014 đến nay, đã có 100 lượt cán bộ, sĩ quan Việt Nam đi làm nhiệm vụ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, trong đó có 37 sĩ quan đã hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, một đội công binh Việt Nam gồm 290 người (trong đó có 38 nữ giới) đã hoàn tất công tác chuẩn bị và sẵn sàng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc từ năm 2020.

Nỗ lực của các chiến sĩ gìn giữ hòa bình Việt Nam được cả Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Điều này được thể hiện thông qua việc 2 sĩ quan Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá bằng văn bản là đã "hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ". Đây là ghi nhận rất quan trọng bởi chỉ 2% trong tổng số 90.000 sĩ quan thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trên toàn thế giới nhận được đánh giá này.

Ngoài ra, từ cuối năm 2018, Việt Nam đã lần đầu tiên thành lập được bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Nam Sudan. Bệnh viện đã điều trị cho trên 1.000 bệnh nhân, trong đó có trên 55 ca phẫu thuật, đại phẫu. Dù mới chỉ được triển khai hơn nửa năm, nhưng bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam đã tạo được ấn tượng tốt đẹp từ phái bộ gìn giữ hòa bình các nước và nhận được thư cám ơn trực tiếp từ Phó Tổng thư ký và Cố vấn quân sự Liên Hợp Quốc.

Các thành viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 lên đường sang Sudan vào cuối năm 2018. Ảnh: Thanh niên

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua

Cả Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan đều là những khu vực xung đột hết sức phức tạp, nội chiến kéo dài, các phe phái giao tranh hết sức ác liệt. Hơn thế nữa, môi trường và điều kiện sống tại đây hết sức khắc nghiệt, người dân luôn phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần nên rất cần sự giúp đỡ của các quân nhân trong phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Nói về những khó khăn, thiếu thốn khi làm nhiệm vụ, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga- người trở về Việt Nam ngày 8/1 sau khi kết thúc nhiệm kỳ làm việc tại Nam Sudan- chia sẻ: “Cuộc nội chiến tại Sudan đang diễn ra hết sức ác liệt, tình hình mất an ninh, an toàn luôn xảy ra. Chính vì thế các nhân viên của Liên Hợp Quốc được khuyến cáo phải về nhà trước 19h bởi sau đó là thời điểm các băng nhóm tội phạm và phe đối lập hoạt động, cướp bóc gia súc và các cửa hàng của người dân, bắt cóc trẻ em và hãm hiếp phụ nữ. Ngoài ra, các nhân viên của Liên Hợp Quốc còn phải đối mặt với nguy cơ mắc phải các loại dịch bệnh như Ebola hay sốt rét do những loại dịch bệnh này có thể bùng phát bất kỳ lúc nào”.

Xác định được điều này, các sĩ quan thuộc phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam không chỉ nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà tạo dựng được mối quan hệ khăng khít với người dân địa phương bằng những hành động hết sức thiết thực như chăm sóc y tế, hướng dẫn chăm sóc vệ sinh cho phụ nữ, trẻ em và những đối tượng gặp nhiều khó khăn tại nước sở tại cũng như chăm lo, bảo đảm an toàn, an ninh cho những đối tượng này.

Cũng theo Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, điều này đã khiến người dân Sudan đặc biệt có cảm tình với các quân nhân Việt Nam thuộc phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Họ luôn dành những “món quà quý giá nhất” như mớ rau ngon hay những quả xoài chín- loại quả đặc trưng của Sudan- cho các sĩ quan Việt Nam dù điều kiện sống của họ cũng còn đang rất khó khăn.

Đánh giá về hoạt động của các sĩ quan Việt Nam thuộc phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Đại tá Nguyễn Như Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam nhận định: “Đóng góp của Việt Nam với sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Liên Hợp Quốc dù còn rất khiêm tốn nhưng đó là những bước đi đầu tiên hết sức quan trọng tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục đóng góp sâu hơn, rộng hơn, với nhiều hình thức hơn tại nhiều phái bộ hơn.

Hình ảnh người lính Việt Nam anh hùng, hình ảnh người lính Bộ đội cụ Hồ được bè bạn thế giới ngưỡng mộ và khâm phục bởi chúng ta có bề dày lịch sử trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chống ngoại xâm. Liên Hợp Quốc đánh giá cao và rất mong muốn Việt Nam có thể cử thêm lực lượng tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở cả hình thức cá nhân và đơn vị”.

Những thành công của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan cũng là tiền đề để lãnh đạo Bộ Quốc phòng xem xét triển khai thêm các sĩ quan tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại các nước khác; Chuẩn bị nhân sự để ứng thi vào các cơ quan của Liên Hiệp Quốc hay các tổ chức quốc tế tại các phái bộ; Xây dựng trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình thuộc Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam trở thành trung tâm gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, được Liên Hiệp Quốc công nhận.

Đây là những mục tiêu quan trọng trong bối cảnh Việt Nam sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm Gìn giữ hoà bình châu Á – Thái Bình Dương năm 2020./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Việt Nam đã sẵn sàng cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Phái bộ LHQ
Việt Nam đã sẵn sàng cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Phái bộ LHQ

VOV.VN - Tập thể cán bộ, bác sỹ Bệnh viện dã chiến 2.1, Bệnh viện Quân y 175 đã nỗ lực không ngừng để hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ Quốc phòng giao phó. 

Việt Nam đã sẵn sàng cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Phái bộ LHQ

Việt Nam đã sẵn sàng cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Phái bộ LHQ

VOV.VN - Tập thể cán bộ, bác sỹ Bệnh viện dã chiến 2.1, Bệnh viện Quân y 175 đã nỗ lực không ngừng để hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ Quốc phòng giao phó. 

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam sang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan
Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam sang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan

VOV.VN -Sáng nay (1/10), tại TPHCM, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ xuất quân BV dã chiến cấp 2 số 1 lên đường làm nhiệm vụ tại phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ Nam Sudan.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam sang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam sang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan

VOV.VN -Sáng nay (1/10), tại TPHCM, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ xuất quân BV dã chiến cấp 2 số 1 lên đường làm nhiệm vụ tại phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ Nam Sudan.

Cặp vợ chồng quân nhân đầu tiên tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan
Cặp vợ chồng quân nhân đầu tiên tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan

VOV.VN - Trung úy Lê Hồng Thanh và Đại úy Lê Thị Hồng Vân là cặp vợ chồng đầu tiên trong phiên chế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 sẽ tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan

Cặp vợ chồng quân nhân đầu tiên tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan

Cặp vợ chồng quân nhân đầu tiên tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan

VOV.VN - Trung úy Lê Hồng Thanh và Đại úy Lê Thị Hồng Vân là cặp vợ chồng đầu tiên trong phiên chế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 sẽ tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan