Niềm thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành ý chí sức mạnh đoàn kết với người dân Đắk Lắk
VOV.VN - Những ngày này, hướng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với lòng tiếc thương vô hạn, người dân các dân tộc, cán bộ, ngành ở tỉnh Đắk Lắk không nguôi nhớ những kỷ niệm được gặp ông.
Khắc ghi lời dặn của Tổng Bí thư, cán bộ, đảng viên, bà con các dân tộc ở Đắk Lắk tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thể hiện lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, biến đau thương thành ý chí sức mạnh trong hành động.
Ông K’Ních, trưởng buôn Dur1, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, xúc động và tự hào khi được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc năm 2018. Ông cảm nhận được sự gần gũi, sẻ chia của người lãnh đạo cao nhất của Đảng đối với dân.
“Được nghe và tiếp xúc trực tiếp ngày hôm đó, tôi thấy bác là một người hiền từ, giống như vị cha già kính yêu của mình. Bác luôn căn dặn là tất cả cán bộ và bà con phải đoàn kết chặt chẽ, biết khắc phục những điểm tồn tại để cùng nhau phát triển. Từ đó đến nay cũng đã 6 năm rồi, qua những lời căn dặn của bác thì bà con thực hiện rất tốt”, ông K’Ních nói.
Vinh dự từng 2 lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các hội nghị về văn hóa, nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk nhớ từng lời phát biểu của Tổng Bí thư về đoàn kết dân tộc. Bà Niê Thanh Mai tâm sự, những chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa năm 2021 đã được tỉnh Đắk Lắk triển khai cụ thể.
“Đoàn kết dân tộc trong văn học nghệ thuật và thông qua văn học nghệ thuật thì chúng tôi cũng đã xây dựng những chương trình, những kế hoạch trong tác phẩm của tất cả các văn nghệ sĩ; làm thế nào thấy được vai trò và sự đoàn kết của các dân tộc và đặc biệt là sự đoàn kết, sự tham gia của nhiều lực lượng từ công an, bộ đội, thanh niên, phụ nữ... Sau hội nghị văn hóa toàn quốc dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì chắc chắn tinh thần và đoàn kết dân tộc sẽ còn rộng khắp hơn nữa và sẽ được bật lên từ văn hóa, văn học nghệ thuật”, bà Niê Thanh Mai cho biết.
Ông Hà Ngọc Đào, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cho biết, năm 2011, thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu giữ trọng trách lãnh đạo Đảng, cũng là thời điểm chuẩn bị cho Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Với nhiều chỉ đạo sâu sát của Tổng Bí thư, đến nay, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, giáo dục - đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là trong vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo.
Để xứng đáng với niềm tin yêu của Tổng Bí thư dành cho giáo dục, ông Hà Ngọc Đào tâm sự: “Bác Nguyễn Phú Trọng ra đi là một tổn thất quá lớn đối với đất nước. Riêng tôi hết sức xúc động, niềm tiếc thương này là vô hạn. Là Đảng viên, tôi tin tưởng vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ chèo lái con thuyền vượt qua khó khăn này. Bây giờ phải biến niềm thương tiếc thành ý chí sức mạnh trong hành động. Đồng bào tin tưởng vào Đảng, đoàn kết muôn người như một, đoàn kết các dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong nhân dân theo như nguyện ước khi bác Nguyễn Phú Trọng đang còn sống”.
Nhớ những lời căn dặn của Tổng Bí thư trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại Đắk Lắk năm 2018, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk bày tỏ: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn xem vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc là yếu tố đặc biệt quan trọng, là cội nguồn sức mạnh của đất nước. Thực hiện ý kiến của Tổng Bí thư, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thực hiện tốt việc tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, chung sức vì cộng đồng, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, bản sắc”.