Niềm vui nối dài trên tuyến đường lịch sử ở biên giới Kon Tum
VOV.VN - Những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa, đoạn qua tỉnh Kon Tum đang ngày càng dày hơn và niềm vui của ấm no, hạnh phúc cũng đang tiếp tục được nối dài.
Trong kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt giai đoạn từ năm 1967- 1975, tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Kon Tum là trọng điểm đánh phá, ngăn chặn ác liệt của không quân và bộ binh Mỹ- Ngụy.
49 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam thống nhất, tuyến đường dày đặc bom đạn năm xưa đã hoàn toàn hồi sinh và phát triển, các thôn làng đã có niềm vui của ấm no, hạnh phúc.
Là một trong 4 huyện biên giới của tỉnh Kon Tum, sau 9 năm thành lập, Ia H’Drai đã có những đổi thay rất lớn trong sản xuất và ổn định cuộc sống người dân. Từng là vùng đất hoang vu mang đầy thương tích chiến tranh, nay Ia H’Drai đã bạt ngàn cây công nghiệp, cây ăn quả và trang trại chăn nuôi.
Giao thông ở Ia H’Drai cũng đảm bảo thông suốt giữa các xã và tới các huyện lân cận, thuộc hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, tạo thêm thuận lợi cho sản xuất cũng như vận chuyển nông sản.
Đến Ia H’Drai lập nghiệp với hai bàn tay trắng, nhờ mạnh dạn cộng với chăm chỉ làm ăn, chị Phan Thị Sương (thôn 1, xã Ia Tơi) cho biết, hiện gia đình đã sở hữu vườn cây công nghiệp và cây ăn quả với tổng diện tích 6 ha, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Chị Phan Thị Sương kể lại, những ngày đầu đến Ia H’Drai lập nghiệp, ai cũng nói với chị là trồng cà phê không có trái, nên bước đầu gia đình trồng 500 cây. Trồng đến năm thứ 3 cây cà phê xanh, đẹp và nhiều trái, phát triển thành 2.500 cây.
"Đất đai ở đây còn đây hợp nhất là trồng cây ăn trái, nhất là mít, sầu riêng, cam, bưởi. Gia đình đi các nơi làm ăn thì thấy không bằng ở đây. Gia đình quyết tâm ở đây và gắn bó với đất này đến hết đời luôn đó", chị Sương cho biết.
Dù được thành lập chưa lâu, song nhiều lĩnh vực sản xuất huyện Ia H’Drai hiện đang dẫn đầu tỉnh Kon Tum. Cùng với khoảng 25.000 ha cao su đang kinh doanh khai thác mủ, huyện còn có diện tích chuối xuất khẩu và nghề nuôi cá nước ngọt quy mô lớn nhất tỉnh. 3 năm qua, tỷ lệ giảm nghèo mỗi năm của huyện đạt trung bình trên 19% và hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn dưới 8%.
Ông Võ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai cho biết, huyện đang hướng tới mục tiêu đến cuối năm 2025 huyện cơ bản đạt các tiêu chí về nông thôn mới.
“Huyện đạt cơ bản các tiêu chí về nông thôn mới thì trong các xã trên địa bàn huyện phải có một xã về đích nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, huyện đã xây dựng kế hoạch, trong năm 2024 xã Ia Tơi sẽ về đích nông thôn mới và xã Ia Dom sẽ đạt các tiêu chí về nông thôn mới nâng cao, xã Ia Đal cũng tiếp tục củng cố vững chắc hơn các tiêu chí đã đạt được. Về việc địa phương về đích nông thôn mới, người dân trên địa bàn huyện có sự đồng thuận rất cao, gần như 100%”, ông Võ Anh Tuấn cho biết.
Trong những ngày tháng 3 lịch sử, hai bên tuyến đường Trường Sơn đoạn qua tỉnh Kon Tum, dù đang trong cao điểm mùa khô vẫn xanh tươi cây công nghiệp, cây ăn quả. Tại điểm nối Đông - Tây Trường Sơn có đường 18A, 18B sang tỉnh Attapư, nước bạn Lào trong chiến tranh giờ là thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi đã mang vóc dáng một thị xã vùng biên.
Cũng từ trọng điểm đánh phá ác liệt này của không quân và bộ binh Mỹ - Nguỵ trong chiến tranh, bây giờ đi thêm khoảng 18km nữa về hướng Tây là tới cửa khẩu quốc tế Bờ Y, cánh cửa giao thương rộng mở với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan và Myanmar.
Ông Huỳnh Quốc Trung, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đang hết sức nỗ lực để giao thương và kinh tế biên giới của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế riêng có.
Đồng thời, Ban Quản lý đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng để tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động kinh doanh, thương mại biên giới, giao thương trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân và cư dân biên giới trong việc mua bán, trao đổi hàng hoá qua biên giới theo quy định của pháp luật; đề xuất các giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thương mại vào Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y nhằm phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.
Tính đến hết tháng 2/2024, trong 13 xã dọc theo tuyến biên giới quốc gia dài trên 292km giáp nước bạn Lào và Campuchia thuộc 4 huyện của tỉnh Kon Tum đã có 7 xã đạt chuẩn nông nông mới. Những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa, đoạn qua tỉnh Kon Tum đang ngày càng dày hơn và niềm vui của ấm no, hạnh phúc cũng đang tiếp tục được nối dài.