Ninh Thuận cần nâng cao tầm nhìn về quy hoạch
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc nâng cao chất lượng, tầm nhìn quy hoạch sẽ tạo nên sức cạnh tranh và lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Chủ tịch nước làm việc tại Mèo Vạc-Hà Giang
- An toàn nhà máy điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Sáng nay (10/12) tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận.
Trước đó, trong tối qua (9/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2011 và định hướng phát triển trong năm 2012 và các năm tiếp theo.
Theo báo cáo của tỉnh Ninh Thuận: Mặc dù năm 2010 Ninh Thuận phải chịu thiệt hại nặng nề lên tới hơn 1.000 tỷ đồng do cơn lũ lịch sử gây ra và cũng gặp nhiều khó khăn khi bước vào năm 2011, nhưng tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm nay vẫn khá cao khoảng 10,6%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên hơn 16 triệu đồng. Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh thu ngân sách vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2008...
Tỉnh Ninh Thuận đang triển khai tích cực 2 nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, đó là đảm bảo an ninh muối với quy hoạch 40.000 ha và xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước. Một trong những đề nghị của Ninh Thuận đối với Chính phủ là cơ chế đặc thù trong sắp xếp lại dân cư và xây dựng tuyến đường ven biển, đầu tư kết cấu hạ tầng tại các vùng triển khai dự án điện hạt nhân...
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và kết quả phát triển KTXH khá toàn diện mà tỉnh Ninh Thuận đạt được trong năm 2011, nhất là tăng trưởng kinh tế khá cao cả trong lĩnh vực công, nông nghiệp và dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người đã nâng lên bằng 60% bình quân cả nước, giảm 2% số hộ nghèo, các lĩnh vực y tế, giáo dục, giải quyết việc làm tiếp tục có chuyển biến tích cực, an ninh quốc phòng được giữ vững...
Thủ tướng cũng chia sẻ những khó khăn của tỉnh Ninh Thuận, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế rất nhiều khó khăn, số hộ nghèo và thu nhập bình quân đầu người còn cao hơn bình quân cả nước. Thủ tướng đánh giá cao những chỉ tiêu, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển KTXH mà tỉnh đề ra trong năm 2012 cũng như cách làm bài bản, căn cơ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Muốn căn cơ, lâu dài có hiệu quả thì trước hết là chất lượng, tầm nhìn quy hoạch, tạo nên sức cạnh tranh và lợi thế. Mong các đồng chí tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất cả công, nông nghiệp và dịch vụ; thu hút đầu tư trực tiếp trong nước và nước ngoài đầu tư vào sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phù hợp với quy hoạch và điều kiện của tỉnh. Thu hút đầu tư ODA vào hạ tầng kinh tế xã hội; tiếp tục chăm lo đời sống của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Phải có chương trình hỗ trợ các hộ gia đình nhằm giảm nhanh số hộ nghèo".
Liên quan đến dự án xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ đã ký kết Hiệp định với Chính phủ Nga và Chính phủ Nhật Bản không chỉ hỗ trợ Việt Nam vốn nghiên cứu khả thi dự án, cho vay ưu đãi toàn bô dự án, hỗ trợ nghiên cứu đào tao nhân lực mà các đối tác còn cam kết xây dựng điện hạt nhân với công nghệ tiên tiến nhất và an toàn nhất của thế giới, đồng thời đảm bảo nhiên liệu suốt đời dự án và tiếp nhận lại các thanh nhiên liệu. Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn điện hạt nhân với hiệu quả cao nhất, không chỉ đáp ứng điện năng cho đất nước mà còn thúc đẩy KTXH của Ninh Thuận phát triển. Trên tinh thần này, Chính phủ đang khẩn trương xây dựng cơ chế đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân và các chính sách đặc thù nhằm phát triển kinh tế xã hội vùng dự án.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã cho ý kiến định hướng giải quyết một số kiến nghị của tỉnh Ninh Thuận liên quan đến nguồn vốn đối ứng các dự án ODA phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; nguồn vốn triển khai dự án tuyến đường ven biển và một số hồ chứa phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân cũng như vấn đề đào tạo nguồn nhân lực về năng lượng./.