Ông Nguyễn Thiện Nhân: 'Cần thay đổi toàn diện chính sách dân số'
VOV.VN - Theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân: Việt Nam nên chọn mục tiêu phát triển dân số là ổn định suất sinh bằng suất sinh thay thế và cân bằng giới tính khi sinh.
Biến đổi dân số là một trong những vấn đề hàng đầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế - xã hội; số lượng và chất lượng dân số là yếu tố cơ bản tác động đến chất lượng cuộc sống của con người. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định “công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu ở nước ta và là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người, của từng gia đình và toàn xã hội”.
Hiện Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Luật dân số nhằm thể hiện định hướng chính sách dân số trong giai đoạn mới dựa trên các bài học và kinh nghiệm từ việc thực hiện Pháp lệnh Dân số cũng như các bài học từ các quốc gia khác, đồng thời thể chế hoá những nội dung mới về quyền con người, về những yếu tố bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước được quy định trong Hiến pháp 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết tham gia thực hiện.
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam |
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi toàn diện chính sách dân số sau khi đạt tỷ lệ sinh thay thế để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững sau năm 2015. Về mặt kinh tế-xã hội, một đất nước phát triển bền vững, lâu dài cần có lực lượng lao động hợp lý để duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cần thiết và tái tạo được nền tảng văn hóa - xã hội của nước đó. Một trong các xu hướng đó là duy trì được suất sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ trong cuộc đời. Như vậy, ở tuổi trưởng thành hộ gia đình có 2 con sẽ có 2 người thay thế mình làm việc cho gia đình và xã hội khi cha mẹ về hưu.
“Một đất nước như vậy sẽ không tăng dân số về mặt ‘sinh học’, song khi người già sống lâu hơn do khỏe hơn, được chăm sóc y tế tốt hơn, thì tổng dân số vẫn tăng nhưng là tăng tương đối chậm” – Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Theo GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, suất sinh thay thế là suất sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống. Thực tế cho thấy, tất cả các nước có suất sinh dưới mức thay thế kéo dài đều gặp khó khăn lớn về duy trì tăng trưởng kinh tế, cân bằng các quỹ bảo hiểm xã hội, thiếu nhân lực chăm sóc người già. Vì vậy, Việt Nam nên chọn mục tiêu phát triển dân số là ổn định suất sinh bằng suất sinh thay thế và cân bằng giới tính khi sinh.
Chính sách xã hội không gây bất lợi cho người có gia đình
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với tình hình kinh tế- xã hội hiện nay, chương trình mục tiêu quốc gia “Dân số và kế hoạch hóa gia đình” nên đổi thành Chương trình mục tiêu quốc gia “Dân số bền vững và Gia đình hạnh phúc”.
Chương trình này sẽ không đòi hỏi quá nhiều kinh phí vì chủ yếu là chính sách lao động và xã hội sẽ được lồng ghép với các hoạt động của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân. Để thực hiện hiệu quả chương trình này, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần có sự ủng hộ rộng rãi của toàn xã hội, có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng và giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình này.
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên chính sách mới này, đặc biệt trong công tác giáo dục, vận động nhân dân và giám sát việc thực hiện chính sách này”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Theo GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, để người trưởng thành lấy vợ, lấy chồng và có con tự nguyện theo đúng mục tiêu nói trên, các giải pháp căn bản là: Giáo dục về nhận thức vì gia đình là cái nôi hạnh phúc, có con là hạnh phúc gia đình, vừa là trách nhiệm xã hội với đất nước. Chính sách xã hội không gây bất lợi cho người có gia đình; chính sách việc làm không gây bất lợi cho phụ nữ có con; chính sách thuế thu nhập cá nhân khuyến khích lập gia đình. Khuyến khích gia đình hưởng thụ các dịch vụ vui chơi, giải trí xã hội.
“Bản chất các giải pháp nói trên là làm cho các gia đình với 2 hoặc 3 con có điều kiện hạnh phúc. Khi thế hệ này có con mà hạnh phúc thì các thế hệ sau mới muốn có gia đình và có con” - GS-TS Nguyễn Thiện Nhân nói.
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Bộ LĐ-TBXH nên là cơ quan thường trực của Chương trình, Bộ Y tế và Bộ VHTTDL cần phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện chính sách mới này. Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ KHCN tham gia theo chức năng của mình. Song song với đó, cần thành lập Ủy ban Quốc gia về dân số bền vững và gia đình hạnh phúc do Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban để huy động được sức mạnh của toàn xã hội./.