Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: “Báo chí cần đồng hành cùng lợi ích quốc gia”
VOV.VN - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh “có thực hiện chân chính phản biện xã hội, phản biện đúng, trúng thực tiễn thì báo chí mới đưa đường lối đi vào thực tiễn, mới khắc phục điểm nghẽn, làm cho Đảng gần dân hơn, để ý Đảng và lòng dân khăng khít nhau hơn”.
Sáng 24/12, tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 với sự tham dự của hơn 700 đại biểu. Dự và chỉ đạo hội nghị có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Báo chí sẽ bị tụt hậu, đào thải nếu không chuyển đổi số
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho biết, công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thông tin trên báo chí thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội.
Tuy nhiên, hoạt động báo chí cũng đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, cạnh tranh của các mạng xã hội…Nhiều cơ quan báo chí không chú trọng công tác nghiệp vụ chuyên môn, chưa theo kịp ứng dụng khoa học công nghệ, ít chọn lọc nội dung dẫn đến thông tin thiếu tính định hướng, phản cảm, không chính xác.
Đặc biệt, ông Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, chuyển đổi số báo chí là một xu hướng tất yếu, nhu cầu tự thân, không thể đảo ngược. Báo chí sẽ bị tụt hậu, đào thải nếu không có những quyết tâm thay đổi mạnh mẽ về phương thức làm báo hiện đại…
Nhiều tham luận tại hội nghị cũng chỉ ra những khó khăn trong hoạt động báo chí hiện nay, sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội cũng như tình trạng báo hoá tạp chí, biểu hiện tự chuyển hoá; nhiều thông tin hướng đến giật gân, câu khách, không đảm bảo tính chính trị, tính nhân văn…
Theo các đại biểu, đại dịch COVID-19 và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang tạo áp lực đồng thời cũng là cơ hội của các cơ quan báo chí trên môi trường số, nhiều cơ quan báo chí, kể cả các cơ quan báo chí thuộc hệ thống báo Đảng cũng đã có những đổi mới sáng tạo trong truyền thông, phát triển các nội dung báo chí chất lượng cao, báo chí dữ liệu, báo chí chuyên sâu, thể hiện rõ vai trò chủ lực trong công tác xây dựng Đảng, dám đương đầu với cái xấu, nhiệt thành cổ vũ những điều tốt đẹp, tử tế.
Được biết, trong năm 2022, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,8 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 cơ quan báo chí, thu hồi thẻ nhà báo đối với 1 tổng biên tập báo.
Báo chí cần phát huy dân chủ, làm cho Đảng đến gần dân hơn
Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục quán triệt tốt mong muốn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đề án 100 năm báo chí cách mạng quốc gia, mang tính chất chiến đấu; làm tốt quy hoạch báo chí, xuất bản, làm sao làm đúng thực tiễn, cần đánh giá lại kĩ lưỡng, sơ kết quy hoạch báo chí.
Báo chí cần phát huy dân chủ, gắn với kỷ luật, kỷ cương; đồng hành cùng lợi ích của quốc gia, dân tộc, báo chí hướng tới nhân văn, chân thiện mỹ, tôn vinh sáng tạo của nhân dân trong thời kỳ mới. Cần đổi mới, đa tầng hơn, khơi dậy khát vọng; nâng cao tính phản biện xã hội, phản biện chân chính. Trong phản biện, cần phê phán quan điểm sai trái, lợi dụng chức năng phản biện, làm sai chức năng, lợi dụng vai trò báo chí, vi phạm pháp luật…
Các cơ quan báo chí cần đầu tư các nguồn lực, trong đó nguồn lực con người là quyết định, phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà báo, vừa có bản lĩnh, vừa có đạo đức, tinh thông về kiến thức chuyên môn, đáp ứng kĩ năng trong thời đại báo chí mới. Rà soát lại chương trình đào tạo báo chí của tất cả các trường đại học đào tạo báo chí. Đầu tư cho ứng dụng công nghệ 4.0.
“Có thực hiện chân chính phản biện xã hội, phản biện đúng, trúng thực tiễn thì chúng ta mới đưa đường lối đi vào thực tiễn, chúng ta mới khắc phục điểm nghẽn, làm Đảng gần dân hơn, để ý đảng và lòng dân khắng khít nhau hơn. Trong phản biện chúng ta cũng phải phê phán các quan điểm sai trái, lợi dụng chức năng phản biện để làm sai đạo đức nghề báo, lợi dụng vai trò báo chí để vi phạm pháp luật, suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức” - ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Báo chí cần kể nhiều câu chuyện, tấm gương truyền năng lượng tích cực
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động hưởng ứng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025 theo Quyết định số 1256/QĐ-TTg, ngày 09/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, qua gần 3 năm cả đất nước vượt qua đại dịch COVID -19 và hồi phục nền kinh tế, có thể kể ra nhiều chuyên mục tốt, tuyến bài hay, ý nghĩa, lay động cảm xúc trên báo chí cách mạng. Tiêu biểu như các chương trình trên Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Sức khoẻ & Đời sống, báo Tổ quốc, Vnexpress, Tuổi Trẻ, báo điện tử Vietnamplus…Trong đó Đài Tiếng nói Việt Nam tiêu biểu có các chương trình Chân dung cuộc sống; Kết nối 54…
Ông Nguyễn Thanh Lâm đề nghị các cơ quan truyền thông chủ lực, các cơ quan báo chí lớn, có sức ảnh hưởng, các cơ quan báo chí của bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ và hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo niềm tin và ổn định xã hội. Báo chí Việt Nam cần kể nhiều câu chuyện, tấm gương truyền năng lượng, cảm hứng tích cực cho người dân và cho doanh nghiệp. Kể chuyện nhiều hơn, phân tích nhiều hơn, với một tâm hồn cảm thông, chia sẻ và một cái đầu bình tĩnh, sáng suốt.
Ban Tổ chức Hội nghị đã lựa chọn 32 tập thể để tặng bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022; trong đó có Ban Văn hoá – Xã hội (VOV2), Đài Tiếng nói Việt Nam.
Hiện nước ta có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực gồm Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân; có 15 cơ quan báo chí (11 báo, 3 tạp chí và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) nằm trong cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện. Đây là số cơ quan báo chí giữ nguyên về số lượng, được đầu tư để phát triển mạnh, theo hướng dẫn dắt, định hướng. Ngoài ra, cả nước có 127 cơ quan báo chí, 670 cơ quan tạp chí, 72 đài phát thanh, truyền hình…/.