Ông Võ Văn Thưởng: Phải có tầm nhìn mới phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết
VOV.VN - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đặt vấn đề và đề nghị phải có tầm nhìn mới, ý tưởng mới, nhiệm vụ mới, đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sáng 1/12, tại Hà Nội, Đoàn khảo sát do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng làm trưởng đoàn, chủ trì buổi làm việc với Đảng đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23, MTTQ Việt Nam đã phát huy truyền thống yêu nước, lấy mục tiêu xây dựng đất nước làm động lực và sự tương đồng để tập hợp các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh. MTTQ Việt Nam đã có nhiều hình thức tập hợp nhân dân tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nổi bật như các cuộc vận động, phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức giám sát nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức phản biện nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án, dự án quan trọng, có tác động lớn. Các kiến nghị sau giám sát, phản biện từng bước được tiếp thu và thực hiện, mang lại những kết quả hết sức thiết thực trong công tác xây dựng Đảng, hoạt động của chính quyền các cấp.
Tuy vậy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, cuộc vận động của MTTQ khi triển khai thực hiện thì các tổ chức lại có những phong trào, cuộc vận động riêng, không gắn vào cuộc vận động chung của Mặt trận Tổ quốc và gây áp lực rất lớn cho cơ sở. Cơ chế phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội với chính quyền chưa chặt chẽ. "Quy định “trên khen dưới thưởng” thì kinh phí đâu anh em hoạt động” - bà Ánh nói.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, bảo đảm cho các tôn giáo hoạt động theo pháp luật. Cùng với đó vẫn phải tiếp tục phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Phát huy đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc, đặc biệt là xây dựng người tiêu biểu, cốt cán phong trào.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá cao Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết 23 với tinh thần trách nhiệm cao, luôn đổi mới, khởi xướng nhiều phong trào thiết thực có ý nghĩa, sức lan tỏa lớn, đóng góp tích cực xây dựng Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, đảm bảo ngày càng thực hiện tốt hơn cơ chế đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Nhấn mạnh đến vai trò phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của MTTQ Việt Nam thời gian tới, ông Võ Văn Thưởng đề nghị trong công tác này phải có tầm nhìn mới, ý tưởng mới, nhiệm vụ mới, đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
"Nội dung đại đoàn kết giai đoạn mới là gì, có gì phát triển so với trước đây? Lấy điểm gì là trung tâm kết nối toàn dân tộc? Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đúng rồi, nhưng cụ thể hóa trong từng giai tầng, từng tổ chức như thế nào? Tưởng chừng đơn giản nhưng rất quan trọng!” - ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu MTTQ các cấp thời gian tới tập trung tham gia giám sát cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu, góp phần quan trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đảm bảo lợi ích của nhân dân, vì sự tiến bộ chung của xã hội./.