Phải đảm bảo diện tích đất trồng lúa

Hiện nay, diện tích đất trồng lúa để xây dựng các khu công nghiệp bị bỏ hoang nhiều, chưa phát huy hiệu quả

Sáng 10/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội làm việc tại hội trường về Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020; Việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

Đối với kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, phải đảm bảo diện tích đất cho người nông dân trồng lúa, không nên quy hoạch, phá đất trồng lúa để xây dựng các khu công nghiệp. Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) nhấn mạnh như vậy và cho rằng, quỹ đất dành cho phát triển khu công nghiệp ngày càng gia tăng nhưng trên thực tế, việc xây dựng, phát triển còn chậm chạp, chưa phát huy hiệu quả, dẫn đến lãng phí ngân sách Nhà nước.

Vì vậy, việc dành quỹ đất dành cho phát triển khu công nghiệp phải được Chính phủ kiểm tra, giải trình hàng năm. Cần phải khắc phục tình trạng việc lấy đất nông nghiệp để phát triển khu công nghiệp nhưng lại bị bỏ hoang, người dân mất đất nên không có việc và dẫn đến sa vào các tệ nạn xã hội.

Đại biểu Lê Thị Công (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng: Quy hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập, quy hoạch đất ở nông thôn còn nhiều lãng phí. Cần đánh giá lại quy hoạch sử dụng đất theo vùng với phát triển kinh tế-xã hội. Việc quy hoạch phải dựa trên đối thoại giữa cơ quan chính quyền địa phương và dân cư sống tại đó.

Đại biểu Lê Văn Học (đoàn Lâm Đồng) đưa ra quan điểm: Cần kiểm soát việc giao đất, sử dụng đất tại các địa phương. Thực tế cho thấy, đất để xây dựng các khu kinh tế, nhà cao tầng nhiều nhưng đất giành cho phát triển giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non còn hạn chế.

Đồng ý với quan điểm này, đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai), Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cho rằng: Một trong những nguyên nhân khiến cho tình hình tội phạm vị thành niên gia tăng là do không có không gian vui chơi, giải trí. Quỹ đất dành cho phát triển cơ sở hạ tầng văn hoá-giáo dục còn hạn chế. Vì vậy, cần có giải pháp phân bổ nguồn đất để xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển các khu văn hóa, xây dựng trường học.

Ngoài ra, cần phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc sử dụng đất. Định kỳ hàng năm, Chính phủ cần báo cáo trước Quốc hội việc giao đất, quy hoạch sử dụng đất của các địa phương; kiểm soát hoạt động sử dụng đất phát huy hiệu quả đến đâu.

Tạo điều kiện cho người dân tham trồng và bảo vệ rừng

Báo cáo kết quả thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998 -2010 cho thấy: Qua quá trình thực hiện, nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ rừng, phát triển rừng của các địa phương và người dân được nâng lên rõ rệt. Rừng được bảo vệ tốt hơn, độ che phủ rừng tăng qua các năm. Cụ thể, năm 1998 độ che phủ rừng là 32%, đến năm 2010 tăng lên gần 40%. Trữ lượng rừng từng bước được nâng lên, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tạo được nhiều vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm lâm sản khác.

Dự án cũng đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo báo cáo của các địa phương, đến năm 2010 đã có hơn 1,2 triệu hộ gia đình với hơn 4,6 triệu lao động tham gia dự án, trong đó 38% là hộ nghèo.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ: Diện tích đất trống đồi trọc vẫn còn nhiều với hơn 2 triệu ha; một số nơi tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ diễn ra gay gắt, chất lượng của từng loại rừng ở nhiều khu vực bị suy giảm…

Đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (đoàn Bình Định) cho rằng: Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã góp phần tăng trưởng kinh tế-xã hội, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo ở nhiều địa phương. Để phát huy hiệu quả dự án, Chính phủ cần giảm thuế đối với các doanh nghiệp khai thác rừng để lấy gỗ xuất khẩu; tạo điều kiện cho người dân tham gia trồng rừng và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.

Hiện nay, quy hoạch giao đất, giao rừng, cấp giấy phép trồng rừng còn chậm. Diện tích trồng rừng sản xuất còn thấp, người dân không có đủ kinh tế để trồng rừng sản xuất. Vì vậy, cần cải tiến việc cấp giấy phép trồng rừng cho doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân vay vốn với lãi suất thấp để trồng rừng sản xuất. Đại biểu Drong Minh Thắm (đoàn Lâm Đồng) nêu ý kiến.

Đại biểu Hà Văn Khoát (tỉnh Bắc Kạn) kiến nghị: Cần có chính sách khuyến khách chế biến gỗ để xuất khẩu. Đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho người dân bảo vệ.

Ngoài việc phát huy hiệu quả dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, cần có biện pháp quản lý rừng tự nhiên bởi vì hiện nay, việc phá rừng tự nhiên để trồng, khai thác rừng vào mục đích kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, làm xói mòn đất, gây nên lũ lụt. Đại biểu Trần Minh Diệu (đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh.

Việc chặt phá rừng, chống lại lực lượng kiểm lâm còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Đại biểu Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận) cho rằng, các địa phương cần tăng cường nhân lực để đối phó với việc chặt phá, khai thác rừng trái phép.

Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 với 90% đại biểu tán thành./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên