“Phải diệt được “con đỉa hai vòi” tham nhũng, lãng phí”
VOV.VN - Tham nhũng, lãng phí như con đỉa 2 vòi, một vòi hút máu nhân dân, vòi kia là pít-tông đẩy của cải của nhân dân ra sông ra biển và cần phải bị tiêu diệt.
Đây là một trong những nội dung góp ý rất đáng quan tâm vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tại Hội nghị do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 5/11 tại Hà Nội.
Không thấu lòng dân nên sinh nhiều chuyện
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch TW Hội Cựu thanh niên xung phong, khẳng định tham nhũng, quan liêu là tệ hại nhất cần phải được khắc phục. Tham nhũng làm suy giảm lòng tin của người dân, bệnh quan liêu khiến dân bất bình rồi xa rời chế độ.
“Tham nhũng, lãng phí như con đỉa 2 vòi, một vòi hút máu nhân dân, vòi kia là pít-tông đẩy của cải của nhân dân ra sông ra biển”, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.
Phân tích sâu hơn, ông Vũ Trọng Kim nhận định, tham những sinh ra có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. Chính bởi vậy để chặn quốc nạn này, cần lập lại quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, phải lấy lại gương mặt tự trọng, liêm sĩ. Phải kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của họ và công khai cho nhân dân giám sát, tránh bệnh hình thức như lâu nay.
“Cán bộ phải được huấn luyện, phải có trải nghiệm, xuất thân từ phong trào rồi trở lại phong trào quần chúng; “ba cùng với dân, hiểu và lo toan nỗi trăn trở và mong chờ của nhân dân. Cán bộ bây giờ thường học lên cao, làm trên cao, rồi mới đưa về cơ sở, trui rèn không đủ độ chín, không thấu được lòng dân nên sinh ra quá nhiều chuyện không hay. “Chưa làm ông Nghè đã đe hàng Tổng”, chưa tường tận chân giá trị đích thực của người cán bộ.
“Cũng từ đó chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, trục lợi có đất sinh sôi nảy nở. Cán bộ cấp trên, cấp Trung ương quản lý vừa rồi hư hỏng nhiều cũng do thiếu tu dưỡng, rèn luyện. Bây giờ xây dựng cán bộ cấp chiến lược phải rút ra bài học quý giá, chớ có “làm vua, làm chúa”, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Vũ Trọng Kim, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, cho rằng, trong nhiệm kỳ tới việc xây dựng, chỉnh đốn cả hệ thống chính trị cũng phải là điều rất quan trọng để mang lại niềm tin cho dân, tránh những nhũng nhiễu, phiền hà cho dân. Bên cạnh đó, trong xây dựng Đảng phải nói thẳng, nói thật, không tránh né, như thế mới giúp cho đồng chí mình tiến bộ cũng như cần phải xây dựng tốt mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân.
“Giai đoạn tới phải làm sao xây dựng tốt hơn mối quan hệ mật thiết, máu thịt giữa Đảng với dân, giữa Mặt trận với dân và giữa dân với dân. Qua những gì thể hiện ở dịch Covid-19, lũ lụt miền Trung cho thấy lòng yêu nước, đoàn kết thương yêu nhau trong dân rất lớn. Văn kiện cần thể hiện rõ và nhấn mạnh điều này để phát huy sức mạnh toàn dân tộc”, ông Nguyễn Túc nêu ý kiến.
Đón bắt tốt hơn cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0
Trong khi đó, liên quan đến tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua, GS.TS. NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng, hiện nay, đất nước chưa thực sự bắt tay vào việc đón bắt cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Việt Nam chưa lường trước được việc thay thế công nhân ở các khu công nghiệp, nhất là tại lĩnh vực dệt may, giày da, lắp ráp thiết bị điện tử, bằng robot. Bên cạnh đó, những mô hình nông nghiệp sản xuất lớn với cánh đồng rộng lớn để tận dụng cơ khí hóa chưa được phát huy”, GS.TS. Nguyễn Lân Dũng đánh giá.
Cùng chung lo ngại với GS.TS. Nguyễn Lân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, để có thể bắt kịp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần đánh giá lại vấn đề phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, tập trung xử lý nợ xấu, xây dựng hệ thống tín dụng lành mạnh, an toàn.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, cần phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho giáo dục vì đó là con đường dẫn đến tri thức. Phải trang bị hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng giáo dục từ bậc mầm non đến đại học. Trong đột phá xây dựng chiến lược hạ tầng, cần tập trung đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng trong trường học.
“Số tiền xây dựng một con đường trị giá vài nghìn tỉ đồng đã đủ để trang bị cơ sở hạ tầng cho các trường học. Nếu chúng ta coi con người là yếu tố quyết định trong đột phá phát triển giáo dục thì cần phải coi trọng vấn đề này. Cần quan tâm cho giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập, chứ hiện nay mới chỉ quan tâm đến giáo dục chính quy trong khi xã hội học tập mới là con đường lâu dài”, bà Nguyễn Thị Doan khuyến nghị./.