'Phải từ chối thẳng thắn cán bộ yếu đưa từ nơi khác về'
VOV.VN - Ông Lê Truyền: “Đã từng có tình trạng người sắp nghỉ hưu thì sang Mặt trận, hoặc khó sắp xếp ở bộ máy bên Đảng, Nhà nước thì đưa sang Mặt trận”.
Công tác giám sát và phản biện được coi là những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Mặt trận. Tuy vậy, công tác này chưa được Mặt trận đẩy mạnh vì nhiều lý do, trong đó có lý do chưa được luật hóa, ngoài việc mới đây Bộ Chính trị có Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Việc dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến lần này có hẳn quy định riêng về 2 nội dung này. Về vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
PV: Thưa ông, khi Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) có hiệu lực, liệu công tác giám sát, phản biện của Mặt trận sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới?
Ông Lê Truyền: Đây là một cơ sở pháp lý để Mặt trận thực hiện nhiệm vụ quan trọng của mình là giám sát và phản biện. Từ trước đến nay, Mặt trận cũng đã thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội nhưng làm theo hướng dẫn, chưa có những văn bản pháp lý đầy đủ. Nếu luật này thể hiện được công tác giám sát, phản biện đối với Nhà nước, đối với Đảng thì việc nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam đầy đủ và thuận lợi hơn.
Ví dụ, giám sát của Mặt trận là giám sát nhân dân, phối hợp với công tác giám sát của Đảng, công tác giám sát quyền lực của cơ quan Nhà nước thì những giám sát này đều mang lại lợi ích rất quan trọng. Thực sự, hiện nay vấn đề quyền lực có nhiều điểm rất đáng chú ý, nếu giám sát quyền lực không tốt thì quyền lực dễ bị lạm quyền, mà thực ra đó là quyền của nhân dân. Công tác phản biện cũng vậy, nếu có cơ sở pháp lý rõ ràng, thì sẽ tạo thuận lợi cho MTTQ Việt Nam khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.
PV: Thưa ông, làm thế nào để công tác giám sát, phản biện vừa mang đang ý nghĩa bắt nguồn từ kiến nghị, nguyện vọng của nhân dân, vừa thể hiện được sự chủ động của Mặt trận?
Ông Lê Truyền: Giám sát và phản biện xã hội, gốc quan trọng là phải bắt nguồn từ nguyện vọng của nhân dân. Mặt trận là đại diện cho lợi ích và quyền hợp pháp của nhân dân, gắn bó với nhân dân, tiếp xúc đối thoại với nhân dân.
Mặt trận phải coi ý kiến, kiến nghị của nhân dân là nguồn lực giúp cho Mặt trận làm nhiệm vụ giám sát, phản biện. Nếu Mặt trận cứ họp hành trên hội trường và không có thông tin từ chính nhân dân thì giám sát, phản biện của Mặt trận không mang tính nhân dân, bản sắc của Mặt trận.
Ý kiến của nhân dân về những vấn đề cụ thể thì Mặt trận phải tiếp nhận, tổng hợp để phản ánh trung thực nhất những vấn đề người dân nêu ra.
Mặt trận có khả năng mạnh lên nhờ việc tổ chức bộ máy của mình
PV: Thưa ông, với một đội ngũ như hiện nay, theo ông Mặt trận liệu có đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác Mặt trận, nhất là khi Luật MTTQ Việt Nam được thực thi?
Ông Lê Truyền: Theo tôi, mỗi giai đoạn cách mạng thì nhiệm vụ thay đổi. Nếu vai trò vị trí, quyền, trách nhiệm của Mặt trận như hiện nay và nếu được thể hiện sắp tới trong luật thì rất quan trọng.
Các văn bản của Đảng cũng khẳng định, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là rất quan trọng, và cũng nói là có nhiều việc mới, việc khó, trong đó giám sát và phản biện là những việc mới. Vì thế, đòi hỏi đội ngũ cán bộ có đủ tầm về cả tri thức và phương pháp để làm những việc đó. Nói vậy cũng có nghĩa là về mặt số lượng phải thế nào cho đủ, nhưng cũng không phải đặt lên hàng đầu mà số lượng phải đi cùng với chất lượng, đi cùng với cơ cấu hợp lý, góp phần làm cho bộ máy Mặt trận ở tất cả các cấp đủ sức giải quyết những công việc của MTTQ Việt Nam.
Còn bộ máy chuyên trách thì đông đến bao nhiêu cũng không đủ, khả năng thu thập được trí tuệ bằng việc tiếp cận, đối thoại của nhân dân. Đó là một nguồn rất quan trọng để cho cán bộ của mặt trận có thông tin.
Tiếp nữa Mặt trận phải tập hợp được nhiều chuyên gia làm công tác tư vấn, như thế Mặt trận sẽ có một đội quân rộng khắp trên các lĩnh vực. Có khi mà đội ngũ chuyên gia chưa mở rộng được, cần phải mở rộng ra cả đội ngũ cộng tác viên cho các nhu cầu đặt ra vào từng thời điểm. Mặt trận có khả năng mạnh lên nhờ việc tổ chức bộ máy của mình, chứ không chỉ trông chờ vào đội ngũ chuyên trách.
PV: Thưa ông, cũng liên quan đến công tác cán bộ Mặt trận, nhiều người vẫn lo ngại và vẫn còn quan niệm, cán bộ yếu, không làm được việc ở nơi khác thì chuyển sang làm công tác Mặt trận. Từng là lãnh đạo MTTQ Việt Nam, ông thấy lo lắng này có đúng không?
Ông Lê Truyền: Về việc xây dựng bộ máy tổ chức, nhân sự, Mặt trận mong muốn có đủ sức làm nhiệm vụ của mình, nhưng thực tế thì nhiều người cũng không muốn đứng vào hàng ngũ làm công tác Mặt trận. Nhiều người cho rằng, làm công tác Mặt trận có nhiều khó khăn, việc sắp xếp của cấp ủy đối với cán bộ mặt trận cũng có chỗ này chỗ khác chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Mà cũng không phải không có trường hợp, những người sắp nghỉ hưu thì sang Mặt trận, hoặc những người khó sắp xếp ở bộ máy bên Đảng, Nhà nước thì đưa sang Mặt trận.
Với tinh thần xây dựng luật MTTQ Việt Nam, thì đồng thời phải nghĩ ngay đến vấn đề bộ máy, cán bộ, phải khắc phục dần được đội ngũ yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu. Nếu những người này có được chuyển sang Mặt trận, thì Mặt trận cũng phải thẳng thắn từ chối, có như thế đội ngũ cán bộ Mặt trận mới có tầm làm việc theo tinh thần mới hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông./.