Phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản
VOV.VN -ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của Nhật Bản trong xây dựng cộng đồng, triển khai liên kết khu vực
Thưa Quốc vương,
Thưa Ngài Thủ tướng Shinzo Abe,
Thưa các vị Đồng nghiệp ASEAN,
1. Tôi chân thành cảm ơn Ngài Thủ tướng Shinzo Abe và nhân dân Nhật Bản về sự đón tiếp và lòng mến khách dành cho chúng tôi; đồng thời xin đánh giá cao các nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản và cá nhân Ngài Thủ tướng trong việc phối hợp cùng ASEAN tổ chức Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN-Nhật Bản, để chúng ta nhìn lại chặng đường vừa qua và đề ra tầm nhìn trung và dài hạn cho phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác hai bên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn cán bộ Việt Nam trong cuộc gặp gỡ với Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidenren) |
Về quan hệ ASEAN-Nhật Bản
2. Nhìn lại 40 năm qua, Nhật Bản là một trong những đối tác đối thoại lâu đời nhất và quan trọng nhất của ASEAN. Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ đối thoại với ASEAN vào năm 1973, tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN 2003. Đến 2011, hai Bên đã ra Tuyên bố chung nhằm tăng cường Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản.
3. Nhật Bản luôn là một trong những đối tác kinh tế thương mại quan trọng nhất của ASEAN, đồng thời là một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài và cung cấp viện trợ ODA lớn nhất cho ASEAN. Bất chấp những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế, năm 2012, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại đạt 262,4 tỷ USD và là quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 2 của ASEAN.
4. Bên cạnh đó, hợp tác văn hóa-xã hội đã đạt nhiều kết quả tích cực thông qua các chương trình hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân, đặc biệt là Chương trình giao lưu thanh niên và sinh viên ASEAN-Nhật Bản (JENESYS) mang ý nghĩa sâu sắc về quan hệ của thế hệ trẻ. Chúng ta thật xúc động khi chứng kiến người dân hai Bên trợ giúp lẫn nhau vượt qua những tàn khốc của động đất, sóng thần ở Fukushima và những thiệt hại khủng khiếp của siêu bão Haiyan.
5. Những thành tựu 40 năm qua đã thể hiện quyết tâm chính trị và những nỗ lực to lớn của hai bên, đồng thời khẳng định sự đúng đắn của việc hôm nay chúng ta cùng thông qua Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ Hợp tác và Hữu nghị ASEAN-Nhật Bản và Kế hoạch Triển khai Tuyên bố Tầm nhìn.
Trong thời gian tới, chúng ta cần gia tăng các nguồn lực để triển khai các cam kết, thỏa thuận và chương trình hợp tác đã có, nhất là Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố chung Tăng cường Quan hệ Đối tác Chiến lược 2011-2015. Đồng thời sớm triển khai Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ Hợp tác và Hữu nghị ASEAN-Nhật Bản và Kế hoạch Triển khai Tuyên bố Tầm nhìn.
6. Tôi hoan nghênh các nỗ lực tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi các dòng thương mại và đầu tư hai bên vào năm 2022. Tích cực triển khai Lộ trình Hợp tác Kinh tế Chiến lược 10 năm ASEAN-Nhật Bản và sớm hoàn thành đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ và Đầu tư để hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), tiến tới hình thành Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Nhật Bản toàn diện. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho ASEAN và Nhật Bản cùng các đối tác khác tiến hành đàm phán Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
7. ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của Nhật Bản trong xây dựng cộng đồng, triển khai liên kết khu vực và triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN với 33 dự án trọng điểm. Hỗ trợ phát triển bền vững khu vực tiểu vùng Mê Công, bao gồm cả quản lý và sử dụng hợp lý, bền vững nguồn nước. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối khu vực, tập trung vào triển khai kết nối cơ sở hạ tầng, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy giao lưu cấp cao, giao lưu nhân dân, đặc biệt là thanh niên ASEAN – Nhật Bản để củng cố và làm sâu sắc hơn sự hiểu biết lẫn nhau giữa Nhật Bản và ASEAN. Theo đó, tôi hoan nghênh việc Nhật Bản xem xét gia hạn Quỹ Liên kết Nhật Bản-ASEAN để tài trợ cho các dự án hợp tác phát triển và tiếp tục Chương trình giao lưu thanh niên và sinh viên ASEAN-Nhật Bản JENESYS 2.0.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và toàn cầu:
8. Tôi hoan nghênh và ủng hộ việc ASEAN cùng Nhật Bản ra Tuyên bố chung về Hợp tác Đối phó với các Thách thức Khu vực và Toàn cầu và sớm triển khai cụ thể Tuyên bố này nhằm đối phó hiệu quả với các thách thức như chống khủng bố, quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh và an toàn tự do hàng hải.
Đồng thời, chúng tôi trông đợi Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ để Trung tâm Điều phối Cứu trợ Nhân đạo ASEAN về Quản lý thảm họa (AHA) hoạt động hiệu quả hơn và hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng A-bê về tăng cường Hợp tác Quản lý Thiên tai ASEAN-Nhật Bản, trong đó có đề xuất tăng cường Mạng lưới Quản lý Thiên tai ASEAN-Nhật Bản.
9. Duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực là mục tiêu và lợi ích chung của tất cả các quốc gia. Chúng tôi mong muốn Nhật Bản sẽ đóng vai trò tính cực hơn nữa vào mục tiêu chung này. Theo đó, tôi đề nghị Nhật Bản tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc nhằm triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Cách Ứng xử giữa các Bên ở Biển Đông (DOC), đi đôi với việc đàm phán chính thức và thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử COC mang tính tổng thể và ràng buộc và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, chúng ta cần phải tăng cường hợp tác, thúc đẩy đối thoại và tham vấn, xây dựng lòng tin, bảo đảm tự do, an ninh và an toàn của hàng hải và hàng không ở khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và các thực tiễn, chuẩn mực được khuyến nghị của ICAO.
10. Việt Nam ủng hộ các nỗ lực vì hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên, tuân thủ các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại hòa bình, sớm nối lại Đàm phán 6 bên, đáp ứng những quan tâm khác về an ninh và nhân đạo, như vấn đề người bị bắt cóc.
11. ASEAN luôn phối hợp chặt chẽ với Nhật Bản đóng góp tích cực cho tiến trình hợp tác, liên kết và xây dựng cộng đồng ở Đông Á. Chúng tôi đánh giá cao việc Nhật Bản tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tham gia tích cực vào các cơ chế khu vực như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), và Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF). Hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng A-bê về tham vấn với ASEAN để tổ chức "Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Nhật Bản" để hợp tác đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống khu vực.
Thưa Quốc vương và các Quý vị đồng nghiệp,
12. Chúng tôi đánh giá cao chính sách đối ngoại của Nhật Bản thông qua 5 Nguyên tắc của Thủ tướng Abe, khẳng định coi trọng Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản, ủng hộ ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Theo đó, ASEAN trông đợi cùng Nhật Bản tiếp tục nỗ lực đóng góp tích cực và xây dựng vào hợp tác khu vực vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực.
Xin cảm ơn!./.