Phổ biến giáo dục pháp luật công dân
Những nhóm đối tượng theo lứa tuổi, đặc điểm ngành nghề, địa bàn… thì phải bắt buộc học chuyên sâu về quy phạm văn bản pháp pháp luật ở lĩnh vực đó.
Sáng 27/9, Phiên họp thứ 2 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc xem xét và cho ý kiến về Dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Dự thảo Luật Phổ biến giáo dục pháp luật gồm 5 chương, 41 điều. 2 vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, xin ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là Ngày Pháp luật nước Cộng hoà XHCN Việt Nam (Điều 7) và Hội đồng phối hợp công tác Phổ biến giáo dục pháp luật và một số vấn đề khác.
Tại phiên họp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhất trí với quan điểm của Chính phủ lấy Ngày ban hành Hiến pháp là Ngày Pháp luật Việt Nam. Mô hình Ngày Pháp luật là cách làm mới góp phần đa dạng hoá các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật hiện có.
Tuyên truyền pháp luật về ATGT là một trong những hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực cho học sinh |
Cho ý kiến về một số vấn đề của dự án Luật, Uỷ ban pháp luật Quốc hội khoá XIII cho rằng mục tiêu ban hành Luật đã được thể hiện nhưng chưa thật rõ. Dự thảo Luật chưa đưa ra được các chính sách pháp luật để thực hiện công tác, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật. Trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật, theo Dự thảo Luật vấn thuộc về nhà nước là mà chưa xã hội hoá công tác này.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Kim Khoa nhận xét Dự thảo Luật chưa xác định rõ trách nhiệm của đoàn thể, tổ chức trong thực thi pháp luật, đặc biệt vai trò của cán bộ, đảng viên trong thực thi pháp luật.
Cho ý kiến về việc tách vấn đề phổ biến giáo dục pháp luật với giáo dục pháp luật, đại biểu Khoa cho rằng, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật là quá trình đồng bộ nhằm đạt mục tiêu cơ bản là thực thi pháp luật. Đại biểu đề nghị nghiên cứu chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng không tách rời hai vấn đề phổ biến pháp luật và giáo dục pháp luật.
Về đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật các đại biểu đều nhất trí với Uỷ ban pháp luật cho rằng, Dự thảo Luật tập trung quy định về 8 đối tượng đặc thù như: cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân, nông dân phụ nữ, người lao động trong các doanh nghiệp; đồng bào dân tộc thiểu số, thanh niên, thiếu niên, phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng là quá rộng, có nhóm đối tượng chưa phải là đặc thù. Nên xem xét bổ sung các nhóm, đối tượng yếu thế như ở vùng sâu, vùng hay phạm nhân, nhóm tôn giáo... là đối tượng đặc thù trong phổ biến, giáo dục pháp luật.
Các đại biểu cho rằng Dự án Luật nên tập trung vào đối tượng yếu nhất về pháp luật và được tiếp cận pháp luật. Vì đây là các đối tượng yếu thế trong trình độ nhận thức, tiếp cận kiến thức pháp luật kém. Đại biểu Ksor Phước nêu một thực tế ở vùng sâu vùng xa, biên giới nơi thực tế không phải chỉ có hoàn toàn đồng bào dân tộc nhưng khi phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ biên giới chỉ có đồng bào đi học còn nhóm đối tượng người Kinh lại không tham gia. Đại biểu Ksor Phước cho rằng, những nhóm đối tượng theo lứa tuổi, đặc điểm ngành nghề, địa bàn… thì phải bắt buộc học chuyên sâu về quy phạm văn bản pháp pháp luật ở lĩnh vực đó. Ví dụ: Nhóm đối tượng chuẩn bị kết hôn phải bắt buộc học Luật hôn nhân gia đình.
Bên cạnh đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến nhận xét đề nghị bổ sung vào Dự án Luật này về nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật… Đại biểu Tòng Thị Phóng cho ý kiến đề nghị Ban soạn thảo giải trình làm rõ bổ sung một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật như vai trò của gia đình trong phổ biến, giáo dục pháp luật./.