Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt Đoàn người có công tỉnh An Giang
VOV.VN - Hôm nay, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt Đoàn đại biểu người có công tiêu biểu tỉnh An Giang nhân dịp Đoàn ra thăm Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiện tỉnh An Giang quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi trên 40 nghìn hồ sơ người có công với cách mạng, người tham gia cách mạng, trong đó có gần 10 nghìn hồ sơ liệt sĩ; 751 bà mẹ được phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 5 nghìn 500 thương binh, gần 400 bệnh binh. Đến nay, hầu hết người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng của tỉnh đã được hưởng đúng, đủ các chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, ưu đãi giáo dục-đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm....
Các phong trào đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa, hỗ trợ đối với các hộ chính sách, phụng dưỡng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, chăm sóc thân nhân liệt sĩ già yếu cô đơn, đỡ đầu con thương binh, con liệt sĩ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn... luôn được triển khai tích cực và hiệu quả đã góp phần cải thiện và ổn định cuộc sống người có công với cách mạng và thân nhân của họ.
Ông Nguyễn Thanh Điền, người có công tỉnh An Giang chia sẻ: “Tự hào là công dân Nam bộ, quê hương An Giang để xứng đáng với công lao trời biển của Người, chúng tôi nguyện suốt đời phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức cao cả của Người. Từ buổi gặp mặt hôm nay tôi tin rằng chúng ta sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, truyền thống tốt đẹp của bộ đội cụ Hồ, tràn đầy nhiệt tình cách mạng, sống kiên cường, luôn hăng hái đi đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Một lần nữa cho phép chúng tôi bày tỏ sự vui mừng trước thành quả đổi mới của đất nước. Bày tỏ cảm ơn Đảng, Nhà nước đã chăm lo có hiệu quả đến đời sống nhân dân, đặc biệt đối với người có công và gia đình chính sách”.
Bày tỏ xúc động được gặp mặt các đại biểu người có công tiêu biểu, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nêu rõ, trong suốt thời gian qua, Đảng, Nhà nước xác định, công tác chăm lo người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị quan trọng; luôn dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt cho công tác chăm lo người có công với cách mạng. Các phong trào đền ơn, đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước, nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang đã đạt được trong thời gian vừa qua; hoan nghênh những đóng góp quan trọng của người có công với cách mạng trong sự phát triển của địa phương. Phó Chủ tịch nước đề nghị tỉnh An Giang tiếp tục phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra, phát triển hài hòa kinh tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa... để cuộc sống người dân ấm no, hạnh phúc, được hưởng các thành tựu phát triển của đất nước, địa phương.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị: “Tôi cũng mong rằng tỉnh chúng ta không phát triển nhanh thì phải phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, với bảo vệ môi trường để làm sao cho người dân của chúng ta dù chưa giàu nhưng phải sống hạnh phúc. Đồng thời cùng với tập trung phát triển kinh tế cũng cần tập trung chăm lo giáo dục đào tạo, chăm lo phát triển văn hóa, chăm lo đời sống tinh thần của nhân dân, chăm lo bảo vệ môi trường, chăm lo các phúc lợi xã hội để làm sao người dân ở vùng trung tâm hay vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vùng căn cứ cách mạng đều được hưởng những thành tựu của sự phát triển chung của đất nước, của địa phương”.
Phó Chủ tịch nước cùng đề nghị tỉnh An Giang tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện chính sách người có công với cách mạng, triển khai hiệu quả các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho hộ có công, chăm cho cho người có công với cách mạng; tiếp tục phát triển sâu rộng, nâng cao chất lượng các phong trào, chương trình đền ơn đáp nghĩa ở địa phương; huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho người có công. Đồng thời mong muốn, người có công tiếp tục là tấm gương sáng, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để truyền lửa cho thế hệ trẻ tiếp tục sự nghiệp của những người đi trước, gìn giữ hòa bình độc lập và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.