Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp xúc cử tri tại tỉnh An Giang
VOV.VN - Ngày 15/7, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã có buổi tiếp xúc cử tri tại thị xã biên giới Tịnh Biên, tỉnh An Giang sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Sau khi nghe Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang báo cáo về kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; với tinh thần thẳng thắn và cởi mở, bà con cử tri thị xã Tịnh Biên đã đặt ra nhiều vấn đề mang tính thời sự, sát với tình hình cụ thể ở cơ sở, như: vấn đề khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế còn gặp nhiều khó khăn; xử lý giải quyết thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân; cần có chính sách đặc thù nhằm đảm bảo chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho cán bộ không chuyên trách khóm, ấp, nhất là ở những địa bàn biên giới, địa bàn khó khăn…
Đặc biệt, 2 lĩnh vực được cử tri quan tâm nhiều nhất đó là hà tầng giao thông và an ninh nguồn nước hiện nay. Đối với lĩnh vực giao thông, cử tri kiến nghị Chính phủ, các Bộ, Ngành trung ương cần quan tâm hỗ trợ An Giang đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối các tuyến tỉnh lộ, Quốc lộ 80, Quốc lộ 91, cao tốc Châu Đốc - Hậu Giang – Sóc Trăng giúp An Giang kết nối với thành phố Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang và cả nước một cách thuận lợi hơn; phát huy hết tiềm năng của khẩu quốc tế Tịnh Biên và cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, kết nối, giao thương với Campuchia và các nước ASEAN ngày càng hiệu quả hơn.
Cử tri Nguyễn Thanh Thoại, phường Tịnh Biên, TX Tịnh Biên kiến nghị: “Tuyến đường quốc lộ 91 hiện nay rất hẹp khiến cho xe lưu thông bị ách tắc. Theo tâm tư, nguyện vọng của bà con cử tri kiến nghị với Quốc hội xem xét cho mở rộng thêm một làn xe nữa”.
Về biến đổi khí hậu, nhiều ý kiến cử tri cho rằng: tình tình trạng biến đổi khí hậu gây hạn hán xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân; cần ưu tiên các dự án nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Cử tri kiến nghị Trung ương cần sớm có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ vùng ĐBSCL, trong đó có An Giang chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn nước như hiện nay và những diễn biến sắp tới, dự báo ngày càng khắc nghiệt hơn.
Cử tri Trần Hiếu Thuận, thị xã Tịnh Biên cho rằng, chưa bao giờ vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh An Giang nói riêng lại chịu ảnh hưởng trầm trọng từ biến đổi khí hậu như như năm nay; mực nước ở các sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh An Giang vào mùa khô xuống thấp, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân; gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch,…
“Để thích ứng với việc thiếu nước, thời gian qua về phía tỉnh đã có chỉ đạo về sản xuất; đặc biệt là đối với sản xuất nông nghiệp; ưu tiên những cây trồng ngắn ngày để thích ứng…Tuy nhiên, việc chuyển từ cây lúa sang cây trồng khác, thì đầu ra và các cơ chế để hỗ trợ cho người chuyển đổi này gặp rất nhiều khó khăn. Vừa qua, An Giang cũng đã có tiếp xúc với dự án của ODA là “Hệ thống trữ ngọt”, và đã được Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc thông qua dự án này. Tuy nhiên các bước tiếp theo, Đoàn đại biểu cũng nên đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như các bộ, ngành khác…sớm cho ý kiến, giúp cho An Giang thực hiện dự án này”.
Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, mặc dù trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, Trung ương đã luôn quan tâm và ưu tiên bố trí nguồn lực không nhỏ đầu tư cho vùng ĐBSCL để phát triển hạ tầng giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu,… qua đó tạo ra nhiều động lực phát triển mới cho cả vùng ở giai đoạn hiện nay và trong tương lai.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân yêu cầu: trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và gay gắt hơn, nghị lãnh đạo tỉnh An Giang phải có những kế hoạch dài hạn, với lộ trình cụ thể để nắm bắt thời cơ, tận dụng thế mạnh sẵn nhằm nâng chất, phát triển một cách tổng thể. Tỉnh cần chủ động các nguồn lực của địa phương, đồng thời tranh thủ sự chung tay, ủng hộ của người dân để tạo động lực bứt phá trong phát triển kinh tế xã hội. Đối với những vấn đề lớn, vượt thẩm quyền thì cần tranh thủ tối đa các nguồn lực từ Trung ương cũng như các nguồn lực xã hội để hoàn thành kế hoạch đề ra. Cùng với đó, An Giang cần quan tâm đến công tác an sinh xã hội, chăm lo các gia đình có công, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng tới tạo sự tiếp cận các tiện ích xã hội của người dân một cách công bằng. Còn đối với bà con nông dân cần phải thay đổi tư duy, phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng mới, vừa giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nước nhất, vừa mang lại hiệu quả kinh cao nhất.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh: “Về hạ tầng còn ngổn ngang, kể cả hạ tầng giao thông, đô thị, kinh tế biên mậu…Tôi đề nghị lãnh đạo địa phương phải có kế hoạch dài hạn, có lộ trình cụ thể, để tính toán một cách tổng thể; cái nào năng lực địa phương có thể đảm đương được, bà con nhân dân có thể chung tay thực hiện được thì chúng ta nỗ lực để thực hiện tối đa; còn cái nào vượt thẩm quyền thì chúng ta tranh thủ sự lãnh đạo từ Trung ương; và kể cả việc huy động mọi nguồn lực xã hội. Vấn đề biến đổi khí hậu; liên quan đến nước đầu nguồn…Cùng với chuyện của quốc giá và việc hợp tác quốc tế là một việc; nhưng cái chính đối với người dân chúng ta phải tự tính cho mình trước tiên, phải suy nghĩ, thay đổi tư duy về canh tác, để sản xuất tiết kiệm nước”.
Dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang và nhà hảo tâm đã trao tặng 100 căn nhà Đại đoàn kết cho bà con nghèo trên địa bàn tỉnh An Giang.