ASEAN đề xuất tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thông tin
VOV.VN - Uỷ ban các Vấn đề Chính trị đặc biệt và Phi thực dân hóa (Ủy ban 4) của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78 ngày 17/10 đã tổ chức phiên thảo luận chung về đề mục thông tin. Sự kiện có sự tham dự của Phó Tổng thư ký phụ trách thông tin Melissa Fleming, đại diện các nước thành viên Liên Hợp Quốc và một số chức quốc tế, khu vực liên quan.
Phát biểu thay mặt ASEAN tại cuộc họp, Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc nhấn mạnh trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và xung đột toàn cầu gia tăng, vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc cung cấp thông tin chính xác, tin cậy và cân bằng ngày càng quan trọng.
ASEAN kêu gọi Ủy ban Thông tin liên lạc toàn cầu của Liên Hợp Quốc tiếp tục cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan và toàn diện về các vấn đề quốc tế, đồng thời tang cường phối hợp với các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy nhận thức, hiểu biết toàn cầu về hoạt động và ưu tiên của Liên Hợp Quốc. ASEAN cho rằng công nghệ số đem đến cơ hội mới cho phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở nhiều quốc gia, góp phần thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), nhất là việc phổ cập các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, tài chính và năng lượng.
ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số bao trùm, lưu thông dữ liệu xuyên biên giới, cũng như các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân, bảo đảm lòng tin trong nền kinh tế số.
Đại diện Việt Nam bày tỏ quan ngại chung của ASEAN về xu hướng gia tăng hành động tấn công vào hạ tầng thông tin và dân sự thiết yếu, sự lan truyền thông tin sai lệch, phát ngôn thù hận và tội phạm mạng; nhấn mạnh vai trò quan trọng của các chính phủ trong việc giải quyết và ngăn chặn phổ biến tin giả, tin sai lệch trên các phương tiện truyền thông; đánh giá cao các nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực này, nhất là trong việc ngăn chặn các đối tượng xấu sử dụng danh tính và uy tín của Liên Hợp Quốc để truyền tải thông tin xấu, độc hại và giả mạo.
ASEAN cam kết thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế, bao gồm cả Liên Hợp Quốc, nhằm phát triển kinh tế số, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính số, đồng thời đẩy nhanh các nỗ lực nhằm xây dựng Cộng đồng kinh tế số ASEAN vào năm 2045.
Ủy ban các Vấn đề Chính trị đặc biệt và Phi thực dân hóa (Ủy ban 4) là một trong 6 ủy ban chính trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc, có chức năng xem xét, thảo luận các vấn đề liên quan đến phi thực dân hóa, thông tin, hợp tác quốc tế trong sử dụng hòa bình khoảng không ngoài vũ trụ, và vấn đề Palestine...