Phó Thủ tướng dự Hội thảo tiếp tục vun đắp quan hệ Việt-Lào
VOV.VN - Hội thảo là dịp để tiếp tục vun đắp truyền thống hữu nghị vĩ đại giữa hai nước láng giềng Việt-Lào, hướng tới những mục tiêu chung.
Sáng 7/12, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc và Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng Đất nước, tỉnh Nghệ An, phối hợp tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về công tác dân tộc, giao lưu nhân dân giữa đại biểu dân tộc thiểu số, người có uy tín sống dọc tuyến biên giới Việt Nam-Lào.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. |
Hơn 350 đại biểu chính thức gồm 10 tỉnh của Việt Nam có chung đường biên với Lào từ Điện Biên đến Kon Tum và 10 tỉnh của Lào có chung đường biên với Việt Nam là Phongsaly, Luong Prabang, Houaphanh, Xiangkhouang, Bolikhamsai, Khammouane, Savannakhét, Salavan, Sekong và Attapeu.
Hàng chục bản tham luận đều xoay quanh việc khẳng định vai trò Lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đã đặt nền móng, xây dựng, Đảng và nhân dân 2 nước đã dày công gìn giữ, vun đắp, ngày càng phát triển lên tầm cao mới.
Phát biểu tại cuộc hội thảo, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Tiếp tục vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm công tác dân tộc” là hội thảo nhằm phân tích một cách sâu sắc, toàn diện các vấn đề về vai trò của hệ thống chính trị các cấp, của cộng đồng các dân tộc thiểu số, người có uy tín sinh sống dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào.
Đồng thời hội thảo cũng là dịp để tiếp tục vun đắp truyền thống hữu nghị vĩ đại giữa hai nước láng giềng, hướng tới những mục tiêu chung mà hai Đảng, hai Nhà nước đã chỉ ra trong đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng dân tộc thiểu số miền núi.
Công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số đảm bảo khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng vững chắc thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm hay, những bài học quý trong công tác dân tộc của hai nước.
Đây là cơ hội để chúng ta thắt chặt hơn, thắm tình đoàn kết keo sơn giữa hai dân tộc, hai đất nước chúng ta, cũng như sự thân thiết ruột thịt giữa các dân tộc hai bên dãy Trường Sơn”./.