Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo điều hành giá
VOV.VN - Phó Thủ tướng đề nghị, các Bộ, ngành địa phương không được chủ quan lơ là nhất là trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới chưa có nhiều tín hiệu tích cực
Chiều 8/7, tại Trụ sở Chính phủ, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ tổng kết công tác điều hành giá 6 tháng qua, định hướng công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng cuối năm.
Theo báo cáo tại cuộc họp, CPI tháng 6 tăng 0,69% so với tháng trước, bình quân 6 tháng qua CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn mức tăng 1,19% của 6 tháng năm 2021 nhưng thấp hơn mức tăng 6 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020, lạm phát cơ bản 6 tháng tăng 1,25%, tạo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4% do Quốc hội và Chính phủ đặt ra.
Về công tác điều hành tín dụng, lãi suất, điều hành tỷ giá thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, theo đó tính đến ngày 6/7 tín dụng tăng 9,35% so với cuối năm ngoái. Riêng mặt hàng xăng dầu 6 tháng qua giá xăng đã qua 17 kỳ điều chỉnh giá, so với đầu năm nay giá xăng dầu các loại tăng từ 3.360- 11.736 đồng/lít, tương đương tăng từ 20,54-65,44%...
Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới, tại cuộc họp Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản điều hành giá trên dưới 4%; theo đó kịch bản 1: CPI bình quân dưới 4%, giá nhiều nguyên vật liệu thế giới hạ nhiệt khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm trở lại, Mỹ và nhiều nước tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu không tăng mạnh trong thời gian tới, tốc độ tăng CPI thấp hơn 0,71%; dự báo CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 tăng khoảng 3,87%. Kịch bản 2: CPI bình quân trên 4%, giả định như kịch bản 1, cộng thêm các yếu tố giá xăng dầu bình quân tăng 50%, giá các nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm tăng cao hơn 5% so với kịch bản 1; dự báo CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 tăng khoảng 4,4%.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, những kết quả công tác điều hành giá trong thời gian qua đã cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Nhận định trong bối cảnh diễn biến tình hình thế giới và trong nước sẽ có nhiều biến động khó lường, Phó Thủ tướng nêu rõ, công tác điều hành giá từ nay đến cuối năm cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022 theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội giao, từ đó tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát trong năm tới.
Phó Thủ tướng đề nghị, các Bộ, ngành địa phương không được chủ quan lơ là nhất là trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới chưa có nhiều tín hiệu tích cực; tập trung nắm bắt tình hình nghiên cứu đánh giá, đưa ra giải pháp điều hành phù hợp nhất.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các Bộ ngành có liên quan đến các mặt hàng thiết yếu hàng hóa dịch vụ phải theo dõi đảm bảo cung cầu, trong điều kiện hiện nay, NHNN phải điều hành hết sức thận trọng chính sách tiền tệ, linh hoạt để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; Bộ Tài chính cần tiếp tục theo dõi sát tình hình để đưa ra chính sách phù hợp từng thời điểm đối với các mặt hàng, hàng hóa thiết yếu ảnh hướng đến chỉ số giá tiêu dùng phải có giải pháp ngay.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đảm bảo kịp thời, minh bạch về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống của người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng và kiểm soát lạm phát kỳ vọng./.