PTT Trương Hòa Bình: Công tác thanh tra cần có trọng tâm, trọng điểm
VOV.VN - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình thẳng thắn chỉ ra một số lĩnh vực chưa tốt trong công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật.
Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước nói chung và nhiệm vụ công tác thanh tra là rất cần thiết, điều này đòi hỏi ngành phải đồng bộ nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời, phục vụ thiết thực cho công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội. Đó là yêu cầu của của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2017 của ngành thanh tra diễn ra chiều nay, tại Hà Nội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ: Bên cạnh những kết quả trên thì công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật trên một số lĩnh vực chưa tốt, tình hình khiếu nại tố cáo của công dân vẫn còn phức tạp, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi, vi phạm pháp luật còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực.
Vì vậy, việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước nói chung và nhiệm vụ công tác thanh tra là rất cần thiết, đòi hỏi phải đồng bộ nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời, phục vụ thiết thực cho công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị toàn bộ ngành thanh tra cần đóng vai trò chủ đạo trong việc tham mưu cho các cấp, các ngành, địa phương trong việc thực hiện tốt Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Củng cố, kiện toàn cán bộ làm tốt công tác này, tăng cường cơ sở, chú ý bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm, có nhận thức đúng đắn về phục vụ nhân dân và hiểu biết về pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ, thanh tra hành chính phải bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, chú ý các lĩnh vực có nhiều tiêu cực, tham nhũng.
“Thanh tra chuyên ngành cần quan tâm đến các vấn đề mà dư luận xã hội bức xúc, quá trình thanh tra phải thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền và quy định của pháp luật; chú ý hạn chế chồng chéo trong hoạt động của thanh tra, giữa thanh tra với kiểm toán, thực hiện tốt Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp và Chỉ thị 20 của Thủ tướng về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp” - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nói.
Lưu ý về giải quyết các khiếu kiện bức xúc, đông người hiện nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, việc giải quyết khiếu nại tố cáo đông người đòi hỏi các cấp phải hết sức công tâm, đánh giá đúng bản chất vụ việc để có giải pháp toàn diện trong xử lý và kiến nghị xử lý, bảo đảm quyền lợi Nhà nước, người dân, nhà đầu tư trong giải quyết các vụ việc.
Tại hội nghị, đa số ý kiến tham luận đề cập đó là tăng cường biện pháp để khắc phục tình trạng chồng chéo giữa thanh tra bộ, ngành và địa phương; chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán. Nhiều tham luận cho rằng, Thanh tra Chính phủ cần quy định rõ thẩm quyền nhằm xử lý chồng chéo. Mặt khác cần sớm ban hành kế hoạch thanh tra để có sự thống nhất.
Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nêu rõ, một trong những biện pháp quan trọng đó là các bộ, ngành cần chủ động phối hợp xử lý sớm ngay từ trong dự thảo kế hoạch thanh tra. Về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, Thanh tra Chính phủ sẽ có định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2018 sớm và làm việc với Kiểm toán nhà nước để sớm khắc phục vấn đề chồng chéo.
“Một mặt, Thanh tra Chính phủ sẽ có văn bản để xử lý chồng chéo mà Vụ pháp chế sẽ chủ trì. Có thể sẽ ban hành văn bản liên ngành giữa thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước. Về lâu dài thì sẽ khắc phục về mặt thể chế như pháp luật” – ông Sáu nêu rõ.
6 tháng cuối năm, đặt mục tiêu tập trung giải quyết có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phấn đấu đạt tỉ lệ trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh; chú trọng việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80%. Tăng cường công tác nắm tình hình về tham nhũng nhằm phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng theo Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời phát hiện bất cấp, thiếu sót, vi phạm trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ, ngành, địa phương./. VN trong tuần: “Nóng” việc thanh tra tài sản 2 giám đốc ở Yên Bái