Quan hệ hợp tác Việt Nam-Ai Cập có nhiều triển vọng
VOV.VN -Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng đều hàng năm và đến năm 2012 đạt con số trên 300 triệu USD.
PV: Thưa Đại sứ, xin ông cho biết những thành tựu nổi bật trong quan hệ Việt Nam – Ai Cập trong 50 năm qua?
Đại sứ Đào Thành Chung: Quan hệ giữa Việt Nam và Ai Cập là mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, truyền thống lâu đời, được củng cố và trải nghiệm qua nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử. Ai Cập là nước Arab đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Các hoạt động giao lưu văn hóa góp phần thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Ai Cập (Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông) |
Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ hai nước trong 50 năm qua, những thành quả đạt được là rất lớn. Đặc biệt là từ năm 1991 trở lại đây, quan hệ hai nước đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, hợp tác trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa – giáo dục, khoa học kỹ thuật, du lịch… Nhiều hiệp định, thỏa thuận đã được kí kết trong giai đoạn này như Hiệp định thương mại mới, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định hợp tác kinh tế - khoa học kĩ thuật, Hiệp định hợp tác Hàng không, Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, các thỏa thuận, chương trình hợp tác giữa các bộ, ngành…
Về khuôn khổ quan hệ hai nước, hai nước đã thành lập Ủy ban hỗn hợp giữa hai Chính phủ và đã trải qua 4 kỳ họp luân phiên tại mỗi nước.
Đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế, đã có những bước phát triển tích cực kể từ khi hai nước kí Hiệp định thương mại mới vào tháng 5/1994. Kim ngạch thương mại hai nước tăng đều hàng năm và đến năm 2012 đạt con số trên 300 triệu USD. Ai Cập đã trở thành thị trường lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi.
Về văn hóa xã hội, phía Việt Nam đã tổ chức được những ngày Văn hóa Việt Nam tại Ai Cập trong những năm 2009-2010. Ai Cập thường xuyên cử các đoàn văn hóa nghệ thuật sang VN biểu diễn.
Ngoài ra, trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo, truyền thông, hai bên đã tiến hành trao đổi học bổng, giáo viên học và dạy tiếng Arab, trao đổi các chương trình, phim tài liệu nhằm tuyên truyền, quảng báo về hình ảnh, đất nước, văn hóa và con người của mỗi nước.
PV: Thưa Đại sứ, bên cạnh những thành tựu và kết quả tích cực đạt được trong quan hệ hai nước thời gian qua, ông đánh giá như thế nào về những hạn chế, vướng mắc trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước và hướng tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc này là gì?
Đại sứ Đào Thành Chung: Đánh giá chung về quan hệ hai nước, có thể khẳng định thuận lợi là cơ bản. Tuy nhiên, cho đến nay, tôi có cảm nhận rằng, hai nước đã ký kết được rất nhiều thỏa thuận hợp tác nhưng việc triển khai vẫn chưa được suôn sẻ. Kim ngạch thương mại hai nước hiện vẫn tăng đều hàng năm nhưng tăng chưa mạnh so với tiềm năm của hai nước. Chủ yếu là do doanh nghiệp của hai nước còn thiếu những thông tin về nhau, thiếu những cơ hội để nhằm gặp gỡ, trao đổi thông tin. Bên cạnh đó, trong trao đổi buôn bán cũng thường nảy sinh một số vấn đề. Doanh nghiệp hai nước cần gặp gỡ, trao đổi và tháo gỡ khó khăn, trở ngại.
PV: Theo một số đánh giá, tình hình chính trị và an ninh không thực sự thuận lợi của Ai Cập trong mấy năm trở lại đây đang tác động không tốt đến nền kinh tế của Ai Cập cũng như quan hệ hợp tác kinh tế của Ai Cập với các nước. Vậy với Việt Nam, diễn biến chính trường tại Ai Cập có tác động nhưng thế nào đến mối quan hệ kinh tế và triển vọng hợp tác giữa hai nước?
Đại sứ Đào Thành Chung: Trong thời gian qua, Ai Cập có rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi nhìn vào kim ngạch thương mại giữa hai nước thì tôi thấy rằng là nó vẫn tăng lên hàng năm, vẫn tăng từ năm 2011 trở lại đây. Điều đó cho thấy rằng là, tình hình Ai Cập có nhiều bất ổn, tuy nhiên tác động vào mối quan hệ kinh tế giữa hai nước không nhiều. Cụ thể là các mặt hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam vẫn xuất khẩu được hàng hóa vào Ai Cập.
Trong tương lai, quan hệ hợp tác Việt Nam – Ai Cập có nhiều triển vọng. Những kết quả đạt được vừa qua chỉ là bước đầu, cơ hội và tiềm năng vẫn là rất lớn. Thúc đẩy quan hệ kinh tế sẽ là động lực để thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực và quan hệ hai nước đi vào chiều sâu và có hiệu quả.
PV: Xin trân trọng cám ơn Đại sứ!./.