Quan hệ hợp tác Việt Nam– Thái Lan ngày càng phát triển

Hai nước đã thiết lập khuôn khổ hợp tác toàn diện được khẳng định trong Tuyên bố chung tháng 2/2004

Nhân kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Thái Lan (6/8/1976 – 6/8/2011), Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Ngô Đức Thắng nhấn mạnh, quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện giữa hai nước đã không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương.

Hai bên cũng tăng cường hợp tác chặt chẽ trong các tổ chức khu vực và quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 28/7/1995.

Đại sứ nêu rõ, hai nước đã thiết lập được khuôn khổ hợp tác toàn diện bao gồm: chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa - xã hội, giáo dục, đào tạo, thể thao, du lịch, quốc phòng - an ninh, cả ngoại giao chính thức và ngoại giao nhân dân được khẳng định trong Tuyên bố chung tháng 2/2004 về Khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Thái Lan trong thập niên đầu của thế kỷ 21.

Hàng loạt Hiệp định hợp tác quan trọng được ký kết, tạo cơ sở để quan hệ hai nước tiếp tục phát triển, đặc biệt Hiệp định Phân định ranh giới trên biển ngày 9/8/1997, được đánh giá là hình mẫu giải quyết tranh chấp trong khu vực và quốc tế.

Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước ghi nhận bước tiến vượt bậc trong thời gian gần đây. Năm 2010, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan đạt hơn 7,5 tỷ USD (tăng 21% so với năm trước). Hiện các doanh nghiệp Thái Lan đang triển khai hơn 230 dự án đầu tư tại Việt Nam.

Với khoảng 6 tỷ USD đầu tư (từ năm 1988 đến nay), Thái Lan đã trở thành một trong 10 nước và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Đánh giá về triển vọng mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, Đại sứ Ngô Đức Thắng cho biết mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Thái Lan sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp do được lãnh đạo và nhân dân hai nước cùng quan tâm vun đắp, phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và toàn cầu.

Tất cả các lĩnh vực hợp tác sẽ được tăng cường cả về chiều rộng lẫn chiều sâu vì sự hạnh phúc và phồn vinh của hai dân tộc cũng như sự thịnh vượng chung của ASEAN.

Triển khai thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Đại sứ quán Việt Nam tiếp tục nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương ngày đi vào chiều sâu, phát huy hết tiềm năng của mỗi nước, đồng thời đóng góp nhiều hơn cho việc hình thành Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Theo Đại sứ Ngô Đức Thắng, trước mắt, cần thúc đẩy nhanh việc thương lượng và ký kết Hiệp định hợp tác lao động song phương. Hiệp định này sẽ có lợi nhiều mặt cho Chính phủ và nhân dân hai nước. Ngoại giao kinh tế sẽ được xúc tiến mạnh mẽ và thường xuyên hơn nữa, đặc biệt trong các lĩnh vực hai bên cùng có thế mạnh như trồng, chế biến và xuất khẩu gạo, cao su, các loại rau quả và cây ăn trái.

Ông Thắng cũng cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác song phương và đa phương trên Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC), đường bộ xuyên Á, Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyarwady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS); hỗ trợ và đẩy nhanh hơn phong trào kết nghĩa giữa các địa phương hai nước; đồng thời chú trọng và tạo điều kiện cho các lĩnh vực hợp tác khác như văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ...; tổ chức trao đổi các đoàn văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tăng cường hiểu biết về mọi mặt và tin cậy nhau giữa nhân dân hai nước.

Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước những năm gần đây đánh dấu những mốc quan trọng, làm sâu sắc thêm tình hữu nghị và quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Sự tương đồng về văn hóa, xã hội là cơ sở thuận lợi để hai nước tăng cường xây dựng mối quan hệ giao lưu giữa nhân dân hai nước và Thái Lan tiếp tục có chính sách tích cực, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại xứ sở này.

Hợp tác an ninh - quốc phòng song phương không ngừng được thúc đẩy, trên cơ sở các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; giải quyết mọi tranh chấp bằng phương tiện hòa bình; không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, không can thiệp công việc nội bộ của nhau; hợp tác trao đổi kinh nghiệm, phối hợp tuần tra chung trên biển, các chuyến thăm của các đoàn quân sự, an ninh hai nước diễn ra thường kỳ và ngày càng đạt hiệu quả cao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên