Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ cần phát triển lên những tầng nấc mới
VOV.VN - Giới học giả, chuyên gia 2 nước đều thống nhất rằng hợp tác Việt Nam-Ấn Độ đã phát triển đến độ đòi hỏi chuyển sang một giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn.
Ngày 2/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ bắt đầu chuyến thăm Việt Nam trong 2 ngày. Đây là chuyến thăm chính thức song phương đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ tới Việt Nam trong 15 năm qua, hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972 – 7/1/2017), 10 năm ngày thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược (2007-2017) giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish tại cuộc họp báo |
Theo Đại sứ Parvathaneni Harish, ngoài quan hệ chính trị tốt đẹp trên tinh thần tin cậy, thấu hiểu lẫn nhau, Chính phủ hai nước cam kết phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược song phương, cho phép hai bên triển khai và mở rộng hợp tác phát triển trên tất cả các lĩnh vực, với năm trụ cột hợp tác, gồm: Chính trị, kinh tế, năng lượng, an ninh - quốc phòng và hợp tác trong các lĩnh vực khác.
“Quan hệ chiến lược Việt Nam - Ấn Độ đã mang tính toàn diện, hợp tác bao trùm trên mọi lĩnh vực từ chính trị, an ninh, quốc phòng đến kinh tế, văn hóa… Tôi tin rằng chuyến thăm của Thủ tướng Modi sẽ là cơ hội giúp lãnh đạo hai bên tăng cường hiểu nhau hơn, nhất là khi Việt Nam có các nhà lãnh đạo mới sau bầu cử. Chúng tôi rất mong chờ chuyến thăm này”, Đại sứ Parvathaneni Harish nhấn mạnh.
Từ khi quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được nâng tầm thành Đối tác chiến lược năm 2007 đến nay, quan hệ hai nước có những bước phát triển nhanh, mạnh và thực chất hơn trên hầu hết các lĩnh vực, như chính trị, kinh tế, năng lượng, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ và gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp. Riêng quan hệ kinh tế đã có bước phát triển đáng kể: Kim ngạch trao đổi thương mại tăng năm lần, từ một tỷ USD năm 2007 lên hơn năm tỷ USD năm 2015; du lịch tăng từ 20.000 lượt khách năm 2007 lên 120.000 lượt khách năm 2015. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam cũng tăng gần 3 lần, từ khoảng 200 triệu USD năm 2007 lên 570 triệu USD năm 2015. Hai bên phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020.
Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm đầu tư tại Việt Nam, trong đó Tập đoàn TATA nổi tiếng của Ấn Độ đang triển khai dự án đầu tư 2 tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ, nhất là trong lĩnh vực có thế mạnh như công nghiệp ô tô, phần mềm máy tính… tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Phía Ấn Độ cũng quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp Ấn Độ đẩy mạnh thâm nhập thị trường Việt Nam, nhất là đối với các nhóm hàng có lợi thế và có giá trị gia tăng cao. Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Trong chuyến thăm lần này, ngoài việc đẩy mạnh hơn nữa các chương trình hợp tác hiện có, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng sẽ trao đổi với phía Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, mở đường cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish nhận định rằng, năng lượng tái tạo sẽ trở thành lĩnh vực hợp tác rất tiềm năng giữa hai nước trong tương lai.
“Thủ tướng Modi muốn đưa công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo sang các nước có những điểm tương đồng với Ấn Độ. Việt Nam và Ấn Độ đều là những nước nhiệt đới, dồi dào nguồn năng lượng mặt trời. Tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này là rất lớn và đây sẽ là lĩnh vực được bàn thảo trong chuyến thăm sắp tới”, Đại sứ Harish cho biết.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm quan hệ ngoại giao hai nước chuẩn bị đạt mốc 45 năm và quan hệ Đối tác chiến lược chuẩn bị đạt mốc 10 năm trong năm tới. Đây là dịp để lãnh đạo hai nước đánh giá những kết quả hợp tác trong thời gian qua, xác định phương hướng và biện pháp nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên một tầm cao mới, sâu sắc và toàn diện hơn. Do vậy, chuyến thăm sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra một trang mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Nhận định về quan hệ hợp tác giữa hai nước, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cho rằng: “Các chuyến thăm lẫn nhau cũng như các cơ chế rất hiệu quả như ủy ban hỗn hợp, các tham khảo chính trị đối thoại chiến lược, đối thoại quốc phòng an ninh...thì mối quan hệ hợp tác chính trị và sự tin cậy giữa hai nước đang ở mức rất cao. Đó là cơ sở cho tất cả các mối quan hệ khác”.
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là một mối quan hệ lâu đời, được khởi dựng bởi mối quan hệ cá nhân sâu sắc giữa các vị lãnh đạo tiền bối là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlan Nehru, được vun đắp bởi sự đoàn kết gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập và phát triển kinh tế - xã hội của hai nước. “Mối quan hệ trong sáng không một gợn mây giữa hai nước”, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đánh giá, đã đang được ngày càng củng bố trên cơ sở sự tương đồng về lợi ích chiến lược thực sự giữa hai nước.
Tuy nhiên, sự hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn chưa thực sự tương xứng tiềm năng của mỗi bên, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch. Để đưa mối quan hệ hợp tác này phát triển trong thời gian tới, hai bên cần khuyến khích các doanh nghiệp dành sự quan tâm hơn cũng như tích cực đẩy mạnh các hoạt động thương mại, đầu tư thông qua các hội chợ triển lãm, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, đầu tư.
Việc Ấn Độ và Việt Nam mở đường bay thẳng là tiền đề quan trọng thúc đẩy trao đổi hợp tác thương mại cũng như giao lưu nhân dân giữa hai nước. Trong khuôn khổ đa phương, hai bên cần tích cực phối hợp triển khai Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ về hàng hóa, dịch vụ đầu tư đã được ký cũng như thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Các nhà lãnh đạo, giới học giả và chuyên gia hai nước nhất trí cho rằng, hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ đã phát triển đến độ đòi hỏi chuyển sang một giai đoạn mới, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai./.