Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: Điển hình của nỗ lực hàn gắn
VOV.VN -Chuyên gia Lê Đình Tĩnh khẳng định: Quan hệ hai nước sẽ ổn định, sâu rộng và thực chất hơn.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từ ngày 24 đến 26/7. Chuyến thăm này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang diễn ra vào một thời điểm quan trọng đối với cả hai nước, phản ánh mong muốn chung cùng xây dựng mối quan hệ hướng tới tương lai giữa hai nước…
Nhân dịp này, phóng viên VOV online đã phỏng vấn ông Lê Đình Tĩnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao về kết quả chuyến thăm.
Phía Mỹ tiếp tục coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở cấp độ khu vực
** Phóng viên: Xin ông đánh giá về ý nghĩa và kết quả chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần này?
Nghe nội dung phỏng vấn tại đây
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bên Tổng thống Obama tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng ngày 25/7 (giờ Washington) do AP ghi lạị |
** Phóng viên: Với hàng loạt hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hoa Kỳ như: Hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, gặp Thường trực Thượng viện Hoa Kỳ, trao đổi ý kiến các nghị sĩ Hoa Kỳ… vậy ông nhận định phía Mỹ coi trọng chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và quan hệ với Việt Nam như thế nào trong chính sách ngoại giao của mình?
Ông Lê Đình Tĩnh: Phía Mỹ thực sự coi trọng chuyến thăm, thể hiện ở mức độ đón tiếp và ở nội dung đạt được. Trước khi chuyến thăm này diễn ra khoảng 1 tuần, tôi đã có dịp sang trao đổi với chính giới, các nhà nghiên cứu Mỹ và cảm nhận rất rõ về mức độ quan tâm cao phía Mỹ dành cho chuyến thăm của Chủ tịch nước. Bên cạnh các hoạt động do các cơ quan của Chính quyền và Quốc hội Mỹ tổ chức, tờ Bưu điện Washington còn chuyển thông điệp của Chủ tịch về quan hệ hai nước, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – tổ chức nghiên cứu có uy tín hàng đầu ở Mỹ cũng đã mở diễn đàn đón Chủ tịch nước và tại đây, Chủ tịch đã có bài phát biểu quan trọng về đường lối đối ngoại của Việt Nam, cũng như về quan hệ hai nước. Tất cả những điều đó đã thể hiện đánh giá của phía Mỹ về quan hệ với Việt Nam.
Phía Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục xem Việt Nam như một đối tác quan trọng không chỉ ở cấp độ song phương mà còn ở cấp độ khu vực, trước hết là trong ASEAN và các cấu trúc khu vực.
Quan hệ Việt Nam sẽ ổn định, sâu rộng và thực chất hơn
** Phóng viên: Thưa ông, chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được dự luận trong nước và quốc tế đánh giá cao, nhất là khi hai nhà lãnh đạo hai nước đã quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ. Vậy với việc xác định quan hệ Đối tác toàn diện như vậy, quan hệ hai nước sẽ có những thay đổi như thế nào?
Ông Lê Đình Tĩnh: Quan hệ hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ ổn định, sâu rộng và thực chất hơn. Tuyên bố chung lần này vừa kế thừa được những nội dung tích cực quan trọng của ba bản Tuyên bố chung trước đây (2005, 2006, 2008) vừa nâng tầm, bổ sung, cụ thể hóa những nội dung mới. Chẳng hạn, ngoài việc khẳng định lại những nguyên tắc cơ bản điều chỉnh mối quan hệ, lần này Tuyên bố chung đã bổ sung vấn đề biển Đông, nêu khái quát được những điểm đồng thuận của hai bên trong cách tiếp cận và xem đây như một nội dung quan trọng của quan hệ Đối tác Toàn diện.
Về Kinh tế - Thương mại, vốn được xem là nội dung nền tảng của quan hệ, lần này hai bên đều thể hiện quyết tâm cao trong việc sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chủ đề hợp tác Mekong cũng được đề cập sinh động hơn. Đối với Việt Nam, chuyến thăm một lần nữa minh chứng cho chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, phục vụ trực tiếp và thiết thân cho nhu cầu phát triển toàn diện của đất nước.
Đối với Mỹ, một nước Việt Nam độc lập, thịnh vượng cũng phù hợp với lợi ích của Mỹ bởi khi đó Việt Nam có thể đóng vai như một đối tác hiệu quả hơn. Ngoài ra, nội hàm của quan hệ đôi lúc còn quan trọng hơn cả tên gọi.
Quan hệ Việt-Mỹ đang là một điển hình của nỗ lực hàn gắn, hòa giải, hợp tác
** Phóng viên: Bên cạnh việc hai nước đã thông nhất một số quan điểm trong hợp tác Kinh tế - Thương mại nhưng vẫn còn một số khác biệt trong lĩnh vực xã hội như: vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh, nhân quyền… Vậy, ông đánh giá hai nhà nước sẽ giải quyết những khác biệt này như thế nào?.
Ông Lê Đình Tĩnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao |
Ông Lê Đình Tĩnh: Những khác biệt luôn tồn tại trong quan hệ giữa các quốc gia nhưng quan trọng hơn là cách tiếp cận xử lý chúng như thế nào. Theo tôi, hai bên đã chọn giải pháp hợp lý, đó là đối thoại thẳng thắn trên tinh thần cởi mở, xây dựng. Ví dụ so với vòng đối thoại nhân quyền lần thứ nhất đến nay, sau 17 vòng, mức độ hiểu biết giữa hai bên đã tăng lên rất nhiều. Việt Nam cũng coi trọng việc đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực này và sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để cùng thúc đẩy.
Tôi nghĩ việc Tuyên bố chung nêu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẵn sàng ký Công ước chống tra tấn của Liên Hợp Quốc vào cuối năm nay và tuyên bố Việt Nam sẽ mời Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do tôn giáo và tín ngưỡng vào năm 2014 là những cử chỉ theo tinh thần hợp tác đó. Vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh cũng vậy. Sự hợp tác đó đang ngày tích cực hơn. Cách tiếp cận thực tế là đặt vấn đề trong một tiến trình. Quan hệ Việt-Mỹ đang là một điển hình của nỗ lực hàn gắn, hòa giải, hợp tác và hướng về phía trước, bất chấp nhiều khác biệt và thách thức.
** Phóng viên: Xin cảm ơn ông!.