Quảng bá hình ảnh Việt Nam qua con đường ngoại giao
“Ngoại giao toàn diện là phải tham gia công việc quốc tế ở cấp độ sâu hơn”.
Trở về nước tham dự Hội nghị ngoại giao lần thứ 27 đang diễn ra tại Hà Nội, ông Vũ Dũng- Đại sứ Việt Nam tại LHQ đã trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN, trong đó khẳng định: Ngoại giao toàn diện là phải tham gia công việc quốc tế ở cấp độ sâu hơn, cả về kinh tế và chính trị.
PV: Thưa Đại sứ, đảm trách công tác tại LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác, cơ quan ngoại giao Việt Nam đã triển khai chủ trương Hội nhập toàn diện của Đảng và nhà nước như thế nào?
Đại sứ Vũ Dũng: Sau Đại hội Đảng XI, Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở các nước đều đầu tư công sức vào việc triển khai chủ trương này. Chúng tôi quan niệm rằng, ngoại giao toàn diện là phải tham gia ở cấp độ sâu hơn, cả về kinh tế, cả về chính trị. Cấp độ sâu hơn là mình phải đảm đương những vai trò mới mà trước đây mình chưa đảm đương, đặc biệt là ở những nơi mà lợi ích của Việt Nam thiết thực. Chẳng hạn, chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của Việt Nam tại Tổ chức Thương mại thế giới. Những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, giải quyết tranh chấp… phải theo thật sát. Cụ thể là với vụ kiện tôm của Việt Nam vào Mỹ, chúng tôi đã theo rất sát, không để sơ sẩy bất cứ một chi tiết nào.
Ông Vũ Dũng- Đại sứ Việt Nam tại LHQ. |
PV: Thưa ông, là đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam đứng chân ở Geneva, Thuỵ Sĩ, nơi có tổ chức Nhân quyền LHQ. Vậy, vấn đề nhân quyền của Việt Nam được các ông quan tâm và bảo vệ như thế nào?
Đại sứ Vũ Dũng: Geneva là trụ sở của nhiều tổ chức liên quan đến nhân quyền, đặc biệt là Hội đồng nhân quyền. Hội đồng này hoạt động rất thường xuyên và đây là vấn đề rất nhạy cảm, không chỉ đối với Việt Nam mà đối với cả thế giới. Chúng tôi phải làm sao để bạn bè hiểu được chính sách nhân quyền của Đảng và Nhà nước, sẵn sàng trả lời, đáp lại những vu khống, vu cáo về nhân quyền đối với Việt Nam. Chúng tôi cũng quan niệm, đó là ngoại giao toàn diện.
Nhân quyền có những giá trị chung của nó. Những văn kiện cơ bản về nhân quyền có nhiều nội dung tiến bộ. Thực tiễn, chúng ta đã tham gia hầu hết những công ước cơ bản về nhân quyền như bảo vệ phụ nữ, bảo vệ trẻ em, quyền lợi của người tàn tật, bình đẳng giới… Mặt khác, trên lĩnh vực nhân quyền, có một số lực lượng, một số người muốn lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Đó là điều chúng ta kiên quyết không chấp nhận. Giá trị nhân quyền, quan niệm về nhân quyền, lợi ích về nhân quyền... của mỗi nước cũng khác nhau. Chẳng hạn, chúng ta là những nước châu Á, rất coi trọng cuộc sống gia đình. Ở châu Âu lại không coi trọng lắm. Cho nên, trong nhân quyền là phải lắng nghe lẫn nhau, đối thoại với nhau, chứ không thể áp đặt lên nhau được. Có thể, kinh nghiệm xây dựng gia đình tốt của anh chưa chắc đã trở thành kinh nghiệm của gia đình tôi… Điều này còn phù thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, trình độ phát triển, văn hoá truyền thống, phong tục tập quán…
PV: Thưa ông, trong vấn đề nhân quyền, Việt Nam và các nước còn có những điểm nào chưa tìm được tiếng nói chung, chẳng hạn như vấn đề dân tộc, tôn giáo?
Đại sứ Vũ Dũng: Ngay cả vấn đề dân tộc, tôn giáo, tôi cho rằng, cũng không có gì là vênh nhau cả. Theo tôi, đó là vấn đề mà chúng ta giải quyết rất tốt, rất nhiều thành tựu, chẳng hạn như bình đẳng giới, chăm lo đời sống dân tộc ít người, phát triển kinh tế miền núi… đó là thế mạnh của mình. Dù còn khiêm tốn nhưng chúng ta cũng phải làm cho thế giới hiểu rằng, chúng ta có rất nhiều thành tựu về xoá đói giảm nghèo. Đó là thành tựu rất lớn, không phải nước nào cũng làm được. Chúng ta có quyền tự hào và phải làm sáng tỏ, đề cao trong mắt bạn bè quốc tế. Người ra cũng rất dễ dàng nghĩ rằng, Việt Nam là một đất nước chiến tranh và bây giờ chắc hậu quả đó còn rất nặng nề. Nhưng thực tế, Việt Nam bây giờ đã khác, là một Việt Nam mới. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải làm cho bạn bè quốc tế hiểu được như thế.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ!