Quảng cáo cần có văn hóa và chuẩn mực đạo đức
Phiên họp lần thứ 7, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quảng cáo và Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Tiếp tục Phiên họp lần thứ 7, sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quảng cáo, và cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Về dự án Luật Quảng cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: mỗi sản phẩm quảng cáo, ngoài việc đảm bảo thông tin chính xác, còn phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục của nước ta. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành giao Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo. Về những nội dung cấm trong hoạt động quảng cáo, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung thêm điều khoản liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: “Liên quan đến một số sản phẩm nên hạn chế quảng cáo thì đây là vấn đề mà trong hoạt động quản lý Nhà nước mà tôi cho rằng cần phải quan tâm. Thế thì có đưa vào trong Luật quy định về nội dung này không, hay là từ tinh thần của Luật này thì trong Nghị định hướng dẫn chúng ta sẽ đề cao trách nhiệm về nội dung này trong cơ quan quản lý nhà nước để phân định. Còn về một số ý kiến của Thường vụ thì đề nghị trong Báo cáo tới cần thể hiện được phần góp ý của các đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội”.
Về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, đa số đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về phạm vi sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo tính hợp lý và chế độ đãi ngộ tốt hơn với người có công. Đồng thời, đề nghị quan tâm bổ sung thêm một số vấn đề như: việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, chính sách hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở, tiếp tục cụ thể hóa trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ liên quan mà Tờ trình của Chính phủ chưa đề cập.
Về việc mở rộng chế độ ưu đãi bảo hiểm y tế đối với thân nhân của tất cả các đối tượng người có công, dự thảo Pháp lệnh bổ sung chế độ cho thân nhân của 10 nhóm người có công. Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng: Việc mở rộng chế độ với thân nhân của tất cả các đối tượng người có công cần được cân nhắc thêm trong bối cảnh đến nay vẫn chưa có chính sách cấp bảo hiểm y tế đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế và người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Bằng khen của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh về thành tích kháng chiến. Do đó, Ủy ban các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ cần phải đánh giá, dự báo đầy đủ về số đối tượng dự kiến tăng thêm và khả năng cân đối ngân sách hàng năm để thực hiện chính sách này.
Về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, tại phiên họp các đại biểu cho ý kiến về các nội dung: chế độ trợ cấp tuất hàng tháng khi người có công chết; việc công nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đối người đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; về bổ sung chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày…
Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực./.