Quảng Trị: Chương trình chính luận nghệ thuật Kỷ niệm 60 năm ngày đồng khởi Cùa
VOV.VN - Tối qua (3/7), tại Khu Di tích quốc gia thành Tân Sở - nơi từng là kinh đô kháng chiến của vị vua yêu nước trẻ tuổi Hàm Nghi đã diễn ra Chương trình chính luận nghệ thuật Kỷ niệm 60 năm Ngày đồng khởi Cùa (5/7/1964-5/7/2024) với chủ đề “Vùng Cùa -Tự hào quê hương đồng khởi”.
Sau Hiệp định Geneve năm 1954, đất nước bị chia cắt làm 2 miền Nam-Bắc, một phần của tỉnh Quảng Trị, trong đó có Cam Lộ nằm trong vùng kìm kẹp của Mỹ -Ngụy.
Nhận rõ tầm quan trọng, vị trí chiến lược của vùng Cùa (gồm 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ), đế quốc Mỹ và tay sai đã đưa lực lượng đến đây chốt giữ, xem vùng đất này là lá chắn phía Tây của trục đường số 9 huyết mạch. Chúng ra sức dồn dân lập ấp, xây dựng các khu tập trung nhằm kiểm soát, khống chế nghiêm ngặt quần chúng, thủ tiêu tinh thần đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta.
Vào trung tuần tháng 4/1964, Tỉnh ủy Quảng Trị triệu tập hội nghị mở rộng tại bản Ro Ró, huyện Hướng Hóa và quyết định tổ chức đồng khởi, phá thế kìm kẹp của địch, giành chính quyền về tay Nhân dân. Vùng Cùa được Tỉnh ủy Quảng Trị quyết định chọn làm điểm khởi đầu phong trào đồng khởi, tạo điều kiện cho vùng giáp ranh và khắp các vùng đồng bằng nông thôn trong tỉnh vùng lên.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Quảng Trị và sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang địa phương, đêm mồng 4 rạng ngày 5/7/1964, Nhân dân ở vùng Cùa tự trang bị các loại vũ khí đồng loạt vùng lên phá ấp chiến lược, đập tan bộ máy chính quyền tay sai, lập nên chính quyền cách mạng, mở đầu cho phong trào đồng khởi diệt ác, phá kìm, chuyển phong trào từ thế đấu tranh cầm cự sang chủ động tiến công địch, giành chính quyền về tay nhân dân trên khắp các mặt trận, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát biểu tại chương trình, ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, bước ra khỏi cuộc chiến tranh gian khổ và khốc liệt, Quảng Trị nói chung và Cam Lộ nói riêng phải gánh trên mình hậu quả hết sức nặng nề, trên 95% làng mạc bị tàn phá, hủy diệt, là một trong những địa phương có mật độ ô nhiễm bom mìn lớn nhất cả nước.
"Cam Lộ bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương từ hoang tàn, đổ nát. Phát huy truyền thống anh hùng, cần cù, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Cam Lộ luôn đồng lòng chung sức, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để xây dựng huyện đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực. Những đóng góp to lớn trong kháng chiến cũng như trong xây dựng quê hương, Cam Lộ vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất, đặc biệt là được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị...”, ông Hà Sĩ Đồn cho biết.
Sau phần nghi lễ là chương trình nghệ thuật với các bài hát “Quảng Trị yêu thương”, “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Lời ca dâng Bác”… Chương trình chính luận nghệ thuật Kỷ niệm 60 năm Ngày đồng khởi Cùa có nhiều ca khúc nổi tiếng viết về Cam Lộ, Quảng Trị cũng như ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước với hình thức thể hiện sinh động, nêu bật lịch sử đấu tranh vẻ vang cũng như thành tựu to lớn trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương Cam Lộ.
Em Nguyễn Huyền Diệu một người con Vùng Của cho biết: Chương trình chính luận nghệ thuật Kỷ niệm 60 năm ngày đồng khởi Cùa thật ý nghĩa.
“Lớp trẻ chúng cháu hôm nay hiểu được rằng để có được nền hòa bình tự do và những trang sử hào hùng cho quê hương, các thế hệ cha ông đã đánh đổi bằng cả công sức, trí tuệ mồ hôi và máu xương của mình. Trong mỗi chúng cháu luôn mang niềm tự hào lớn lao về truyền thống lịch sử quê hương, biết ơn các thế hệ đi trước đã hi sinh để gìn giữ độc lập cho tự do tổ quốc, cho vùng Cùa được hồi sinh mạnh mẽ như ngày hôm nay”, em Nguyễn Huyền Diệu nói.