Quảng Trị kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh
(VOV) -Mỗi lần về với Khe Sanh là các cựu chiến binh được chứng kiến những đổi thay nhanh chóng của chiến trường xưa.
Tối 7/7, tại Bảo tàng chiến thắng sân bay Tà Cơn, UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắn Khe Sanh, với chủ đề “Khe Sanh 1968 - Sức mạnh Việt Nam”. Hàng nghìn cựu chiến binh trở về chiến trường xưa để tri ân đồng đội đã ngã xuống để làm nên chiến thắng vang dội trong chiến dịch Đường 9-Khe Sanh.
Lễ dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hướng Hóa (Ảnh: TTXVN) |
Năm nào cũng vậy, vào đầu tháng 7, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Thiếu tướng Lê Xuân Tấu, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết Giáp cùng những đồng đội lại tìm về Khe Sanh. Mỗi lần về với Khe Sanh là ông được chứng kiến những đổi thay nhanh chóng của chiến trừơng xưa
Thiếu tướng Lê Xuân Tấu tâm sự: “Đến đây, chúng tôi thấy đời sống kinh tế- xã hội của nhân dân địa phương phát triển toàn diện. Kỷ niệm 45 năm chiến thắn Khe Sanh nhắc nhở tôi cần tiếp tục phấn đấu hơn nữa để xứng đáng hơn nữa đối với cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước nói chung và Đường 9- Khe Sanh nói riêng”.
Dọc quốc lộ 9 đến Khe Sanh, Hướng Hóa, mảnh đất từng bị bom đạn địch cày xới nặng nề, là màu xanh bạt ngàn của rừng trồng, cây hồ tiêu, cao-su và hoa màu xen lẫn với những ngôi nhà mới khang trang. Ðịa hình đất đai vùng núi gập ghềnh, giao thông cách trở trước đây, giờ đi lại dễ dàng hơn với những con đường nhựa, đường bê tông vào tận các bản làng.
Ông Hoàng Văn Thạch, nguyên Chính Trị viên của Đại Đội sửa chửa xe, máy, trực thuộc sư đoàn 470 cho biết, trước đây, ông ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Sau ngày giải phóng ông được tăng phái lên Hướng Hóa để phát triển kinh tế. Nhân dân trong bản đặc biệt làm giàu từ cây sắn rất nhiều, có người 1 năm thu nhập cả trăm triệu đồng tiền trồng sắn.
Chiến tranh lùi xa, từ một huyện nghèo, với bộn bề khó khăn, hiện nay, Hướng Hóa đã trở thành huyện có tốc độ phát triển kinh tế khá ở tỉnh Quảng Trị. Tổng sản lượng lương thực của huyện đạt gần 10.000 tấn, thu nhập bình quân đầu người hơn 16,5 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Ngọc Sắc, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: “Với sự nỗ lực, quyết tâm, cần cù lao động, bà con dân tộc đồng bào Vân Kiều, Pa Cô đã định canh, định cư để khai hoang sản xuất, trồng cây và từng bước đã ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế”.
Nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây, có Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo, vùng đất khó Hướng Hóa là điểm đến hấp dẫn du khách. Theo Quyết định 864 của Thủ tướng Chính phủ, thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo đến năm 2015 sẽ trở thành thị xã và trở thành thành phố loại 3 vào năm 2020./.