Quốc hội chưa thông qua Luật Thủ đô

Với 44,83% đại biểu không tán thành, Luật Thủ đô đã không vượt qua được cuộc biểu quyết chiều 29/3

Chiều 29/3, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự; dự án Luật Thủ đô; dự án Luật phòng, chống mua bán người và dự án Luật kiểm toán độc lập. Các đại biểu cũng tiến hành biểu quyết thông qua các dự án Luật trên.

44,83% đại biểu không tán thành thông qua Luật Thủ đô

Mặc dù đã tiếp thu, chỉnh lý kịp thời ngay trong Kỳ họp thứ 9 này, dự án Luật Thủ đô vẫn không vượt qua được cuộc biểu quyết của các đại biểu Quốc hội chiều 29/3. Chỉ có 177 đại biểu có mặt (chiếm 35,9%) tán thành với việc thông qua dự án Luật, trong khi đó có tới 221 đại biểu (44,83%) không tán thành.

Trước đó, trong phần biểu quyết thông qua một số điều của dự án Luật Thủ đô, Điều 23 quy định về chính sách, cơ chế về tài chính và quản lý đất đai cũng đã không được Quốc hội thông qua với chỉ 43,81% số đại biểu có mặt tán thành, 39,55% đại biểu không tán thành.

Dự án Luật Thủ đô đã được các đại biểu Quốc hội khoá XII thảo luận tại Hội trường tại  Kỳ họp thứ 9 ngày 22/3/2011. Nhìn chung, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật này. Tuy nhiên, về một số nội dung cụ thể trong dự thảo Luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến nhất trí với nội dung cơ bản của dự thảo Luật, nhưng đề nghị cần tiếp tục chỉnh lý, hoàn chỉnh trình Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, một số ý kiến băn khoăn cho rằng để Luật Thủ đô có chất lượng tốt hơn và xứng tầm với Thủ đô thì cần có thêm thời gian nghiên cứu chỉnh lý dự thảo để thông qua tại Kỳ họp sau.

Thêm 3 Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 9

Trước đó, với 89,86% số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đại biểu cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự với 87,02% số đại biểu tán thành, theo đó, Nghị quyết yêu cầu Chính phủ, Toà án NDTC, Viện KSNDTC trong phạm vi chức năng của mình, tự mình hoặc phối hợp tổ chức việc rà soát các văn bản có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự, đảm bảo hiệu lực của Bộ luật này từ ngày 1/1/2012; phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu các điều khoản của Bộ luật tố tụng dân sự có vướng mắc, bất cập trong thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự mà chưa có điều kiện sửa đổi, bổ sung để chuẩn bị phương án cho việc sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện Bộ luật tố tụng dân sự.

Ngoài việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự, chiều 29/3, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Phòng chống mua bán người với 91,28% đại biểu tán thành. Luật Kiểm toán độc lập cũng đã được thông qua với 430 đại biểu Quốc hội (chiếm 87,22%) tán thành.

Cũng trong buổi làm việc chiều nay, các đại biểu đã biểu quyết thông qua toàn văn Nghị quyết Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XII. Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 9./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên