Quốc hội đề nghị tăng mức xử phạt vi phạm thuế
Nhiều ý kiến cho rằng, chính chế tài xử phạt chưa nghiêm nên không ít đối tượng “cố đấm ăn xôi”, làm thất thu thuế.
Sáng 1/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật dự trữ quốc gia; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.
Thảo luận Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, nhiều đại biểu đánh giá,chưa đáp ứng hết những vấn đề thực tiễn đặt ra và Tình trạng trốn thuế, vi phạm về kê khai thuế vẫn diễn ra.
Đại biểu thảo luận ở tổ |
Luật phải đáp ứng hơn với yêu cầu thực tế
Đại biểu Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, dự thảo luật cần được sửa đổi một cách toàn diện hơn, vì cứ sửa, bổ sung một số điều rồi thời gian tới lại sửa dẫn đến thiếu nhất quán, không đồng bộ và thậm chí ảnh hưởng đến nhiều mặt, trong đó có thu hút đầu tư.
Đại biểu đề nghị, các điều khoản trong luật cần được cân nhắc cụ thể, cố gắng hạn chế tối đa việc ban hành nghị định và văn bản dưới luật. Luật càng ghi rõ rang, cụ thể hơn thì việc thực hiện càng thuận lợi khi có hiệu lực.
Cùng chung ý kiến, Đại biểu Trần Quang Chiều (đoàn Nam Định) khẳng định, Luật quản lý thuế đi thực sự đi vào cuộc sống, nhưng chưa bao quát, một số nội dung không đáp ứng được thực tế.
Đại biểu cũng đặt vấn đề, có những ý kiến của đại biểu chưa được ban soạn thảo chưa tiếp thu. Luật được thực hiện 6 năm rồi nhưng đến nay nhiều điểm, khoản vẫn chưa được luật hóa, vẫn để Thủ tướng hướng dẫn.
Đại biểu Vũ Văn Ninh (đoàn Nam Định) nêu ý kiến, không nên lồng ghép quá nhiều chính sách vào Luật, bởi sẽ khó quản lý, dễ bị lợi dụng. Đại biểu nêu ví dụ, có những cơ quan nhập khẩu được miễn thuế nhưng thực tế việc sử dụng điều này còn bất cập. Theo đại biểu, nếu đối tượng thuộc diện được chi ngân sách thì cứ chi chứ sao lại thiết kế vào miễn thuế?
“Càng cụ thể bao nhiêu, minh bạch bao nhiêu thì đỡ thất thu ngân sách bấy nhiêu”, đại biểu Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) thì băn khoăn, một dự thảo luật cần sửa đổi, bổ sung tại sao phải trình ra 2 kỳ họp Quốc hội? Vì đối với luật sửa đổi một số điều có nghĩa là xác định được những điều bất hợp lý, đánh giá qua cuộc sống, mang tính cấp bách thì cần thúc đẩy nhanh hơn.
“Nếu không làm nhanh thì thất thu thuế, các văn bản thủ tục ban hành không kịp thời. Tại sao mất 18 tháng mới sửa một số điều của một Luật mang tính cấp thiết, rồi mất nhiều tháng nữa mới có hiệu lực, hướng dẫn thi hành thì làm sao đáp ứng yêu cầu điều hành của Chính phủ?”, đại biểu đặt vấn đề.
Theo đại biểu, việc để kéo dài như trên chứng chúng ta chưa tập trung nguồn lực, thời gian cần thiết để sửa luật này.
Tăng cường thanh kiểm tra, xử lý
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chế tài chưa nghiêm khắc chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm về thuế còn nhiều. Do đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung phải có những quy định chặt chẽ hơn.
Đối với đối tượng kê khai sai, trốn và gian lận thuế các đại biểu đề nghị cần tăng xử phạt từ 10% số tiền thuế kê khai, số tiền thuế được hoàn như trong dự thảo lên 20% để tăng tính răn đe trước tình trạng lẩn tránh, không tuân thủ quy định pháp luật.
Tuy nhiên, theo đại biểu Vũ Văn Ninh, mức xử phạt như trong dự thảo không phải là quá thấp, điều qan trọng là công tác thanh tra, kiểm tra, tính về cả quy mô và phạm vi còn nhiều lỗ hổng.
Về vấn đề chuyển giá, diễn ra ở những công ty vốn nước ngoài, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, hiện tượng này chúng ta phát hiện từ lâu, nhưng hành động còn hơi chậm, dẫn đến thất thu ngân sách không ít.
Chuyển giá được hiểu là việc lợi dụng quyền tự do định đoạt giá trong kinh doanh nhằm thay đổi giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản chuyển dịch giữa các doanh nghiệp không theo giá thị trường, để tối thiểu hóa số thuế phải nộp của các công ty này.
Đại biểu cũng cho rằng, dự thảo luật sửa đổi phải quy định cụ thể hơn chứ không thể nói chung chung là có hiện tượng: “Việc chuyển giá của các công ty đều có đường đi, công thức, từ công ty mẹ sang công ty con. Vậy chống đoạn nào, chống như thế nào và xử lý ra sao phải thuyết minh cho rõ”.
Có đại biểu nêu ví dụ về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào làm ăn ở trong nước, khi bắt đầu vào đầu tư, các doanh nghiệp này luôn được trải thảm đỏ, được hỗ trợ trong đầu tư, miễn giảm thuế một số năm đầu. Nhưng khi đã làm ăn có lãi thì công ty luôn báo lỗ vì số lãi đó đã được đơn vị chuyển về công ty mẹ. Như vậy vấn đề hậu kiểm và xử lý gian lận ở đây nó nằm trong vai trò quản lý nhà nước về thuế là hết sức quan trọng nhưng dự thảo chưa đề cập cụ thể.
Đại biểu Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh) nhấn mạnh, việc xử lý vi phạm phải công bằng, nghiêm túc, bình đẳng trước pháp luật ở cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế.
“Chúng ta đang thực hiện tự giác kê khai, nhưng chúng ta phải bắt buộc công khai hóa, minh bạch hóa, đồng thời gắn chặt thanh kiểm tra nghiêm”, đại biểu nói.
Cũng theo đại biểu Võ Kim Cự, luật đã thực hiện trong thời gian dài, các biện pháp về tuyên truyền, giáo dục đã thực hiện nhiều mà các đối tượng còn vi phạm thuế, gian lận thuế thì việc nâng mức phải là đương nhiên, để tăng tính răn đe. Vì có khi số tiền gian lận lớn hơn nhiều lần số tiền phạt thì không ít người “cố đấm ăn xôi”./.