Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5
(VOV) - Tại kỳ họp thứ 5 sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.
Sáng 11/12, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 13. Phiên họp dự kiến diễn ra đến ngày 14/12.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành đánh giá kết quả kỳ họp thứ 4, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13. Về công tác xây dựng pháp luật, một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đất đai (sửa đổi) và Luật hòa giải cơ sở sẽ được tập trung thảo luận. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự thảo hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Cho ý kiến về dự thảo (lần 2) sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thảo luận nhiều nội dung quan trọng khác.
Trong phiên họp sáng nay, đánh giá kết quả kì họp thứ 4 Quốc hội khóa 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Tuy thời gian tiến hành kì họp ngắn hơn so với các kì họp cuối năm trước đây, nhưng Quốc hội đã tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước.
Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, phát huy trí tuệ và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình kì họp. Đa số ý kiến nhận định: Qua tiếp xúc cử tri sau kì họp cho thấy cử tri đánh giá rất cao những đổi mới của Quốc hội tại kì họp thứ 4 vừa qua.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu ý kiến: “Có những điểm mới trong kì họp này là lần đầu tiên Chính phủ trình ra bản báo cáo về kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn của kì họp trước. Thứ 2 là lần đầu tiên chúng ta có Nghị quyết tư pháp. Tôi nghĩ đây là một trong những nguyên nhân để phiên thảo luận tư pháp lần này có chuyển biến tích cực hơn, các vấn đề đặt ra hấp dẫn hơn. Chúng ta có 13 phiên được truyền hình phát thanh trực tiếp và phản ánh cụ thể nhất là đợt tiếp xúc cử tri vừa rồi, nhiều người dân chia sẻ về các vấn đề được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Điều đó cho thấy những thông tin đã đến được với cử tri”.
Trong số các dự án Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4, Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi và Nghị quyết về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn được cử tri cả nước quan tâm sâu sắc. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được cải tiến, đổi mới. Việc lựa chọn danh sách người trả lời chất vấn và nhóm vấn đề là phù hợp, sát thực tiễn, đúng nguyện vọng của cử tri.
Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án Luật, 1 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 8 dự án Luật và dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; thảo luận về các báo cáo kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác.
Đặc biệt, kỳ họp thứ 5 sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Đây là vấn đề lớn, thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Dự kiến kì họp thứ 5 sẽ diễn ra từ ngày 20/5-18/6/2013./.