Quốc hội lấy ý kiến dự thảo giám sát giáo dục phổ thông
(VOV) -Các kết luận của báo cáo giám sát là có cơ sở và phương pháp thực hiện là khoa học, chính xác
Sáng nay, 5/7, tại TP HCM, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo báo cáo kết quả giám sát và đồng ý với nhận định và kết luận của báo cáo giám sát. Báo cáo có 4 phần: đánh giá về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đánh giá kết quả thực hiện, đánh giá chung và đề xuất kiến nghị.
Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông |
Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục thuộc Đại học Sư phạm TP HCM cho rằng: các kết luận của báo cáo giám sát là có cơ sở và phương pháp thực hiện là khoa học, chính xác. Tuy nhiên báo cáo chưa có kiến nghị giám sát chất lượng các trường có yếu tố nước ngoài. Nhiều phần trong báo cáo giám sát chỉ rõ các tồn tại nhưng chưa có các kiến nghị mạnh và tập trung để giải quyết.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau Thái Văn Long thống nhất với báo cáo cho rằng chương trình một số môn học yêu cầu còn cao, còn chú trọng việc dạy chữ, chưa coi trọng đúng mức việc dạy người, nội dung ngoại khóa lồng ghép còn thô cứng vào bài học.
Đại biểu Thái Văn Long nói: “Có một nguyên nhân nói rằng do sự quản lý của các cơ quan nhà nước còn yếu kém, chậm đưa ra quyết sách ở tầm vĩ mô để tháo gỡ khó khăn cho giáo dục. Tôi thấy nếu nói là cơ quan nhà nước thì còn hơi chung chung. Cần cụ thể hơn, đó là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Không chỉ ở Trung ương mà còn ở tỉnh huyện đều có mặt yếu kém của nó”./.