Quốc hội thảo luận chương trình giám sát năm 2013

(VOV) -Các chuyên đề được lựa chọn phải là những vấn đề bức xúc, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế.

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 8/11, các đại biểu đã nghe Tờ trình và thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013.

Hoạt động giám sát ngày càng chất lượng

Đánh giá tình hình thực hiện chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012, Tờ trình cho rằng, mặc dù tình hình kinh tế-xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, khối lượng công việc của Quốc hội ngày một tăng nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, hoạt động giám sát tiếp tục được đổi mới, có tiến bộ, hoàn thành chương trình đề ra, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Việc gắn kết giữa xem xét báo cáo, giám sát chuyên đề, giải quyết kiến nghị của cử tri và hoạt động chất vấn đã mang lại hiệu ứng tích cực, được đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao. Các chuyên đề được lựa chọn đều là những vấn đề bức xúc, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế; sau hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết làm cơ sở để theo dõi, giám sát việc thực hiện. Hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, khiếu nại tố cáo của công dân được quan tâm hơn. Bên cạnh đó, cách thức giám sát luôn được quan tâm cải tiến…

Đại biểu Danh Út: - Đoàn đại biểu Quốc hội Kiên Giang (Ảnh: CAND)

Nhiều đại biểu đánh giá, những nội dung giám sát như việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số… đã và đang tạo hiệu ứng tích cực, được người dân ủng hộ, đánh giá cao.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng nhất trí với đánh giá của Ủy ban thường vụ Quốc hội rằng hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của tình hình hiện nay. Giám sát việc ban hành văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa được quan tâm đúng mức. Giám sát giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân đạt kết quả còn hạn chế.

Việc theo dõi, đánh giá thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát chưa được chú trọng đúng mức, thiếu những chế tài cụ thể nên còn là khâu yếu.

Chọn vấn đề bức xúc để giám sát

Vì số lượng các vấn đề cần giám sát rất lớn, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đưa ra 4 tiêu chí trong việc lựa chọn nội dung đưa vào chương trình giám sát 2013.

Theo đó, những chuyên đề được lựa chọn giám sát và những vấn đề bức xúc nổi lên, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; xét ở góc độ vĩ mô cần được đưa ra diễn đàn Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét; gắn với công tác xây dựng pháp luật và nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2013. Các vấn đề không trùng các chuyên đề Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát trong thời gian gần đây. Đảm bảo cân đối giữa các lĩnh vực và phạm vi giám sát phù hợp với khả năng thực hiện của các cơ quan được Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến giao chủ trì giám sát.

Với tinh thần đó, trên cơ sở nghiên cứu ý kiến đề nghị của các cơ quan, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 3 nội dung sau đây để tiến hành giám sát tại 2 kỳ họp trong năm 2013 là: Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012 (chuyên đề 1); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012 (chuyên đề 2); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006 – 2012 (chuyên đề 3).

Thảo luận tại Hội trường, nhiều ý kiến cơ bản nhất trí với Tờ trình, đồng thời đánh giá các nội dung được lựa chọn để giám sát chuyên đề là phù hợp, được cử tri quan tâm, bao hàm được cả lĩnh vực kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, ý kiến các đại biểu vẫn còn khác nhau trong việc lựa chọn 2 trong 3 chuyên đề nêu trên.

Nhất trí chọn chuyên đề 1 và 2, song đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) và đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng cần bổ sung nội dung về bảo hiểm xã hội vào chuyên đề 2. Đây là vấn đề quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội song thời gian qua hiệu quả đạt được chưa cao.

Tuy nhiên, theo đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang), việc lựa chọn chuyên đề giám sát là rất quan trọng và nên chọn chuyên đề hẹp, 1 nội dung để đảm bảo độ chuyên sâu, thuận lợi trong giám sát và hiệu quả mới cao. Do đó, với chuyên đề 2, đại biểu cho rằng không nên thêm nội dung về bảo hiểm xã hội.

Một số đại biểu lại cho rằng nên lựa chọn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng vì tình trạng tàn phá rừng diễn ra nghiêm trọng, công tác bảo vệ còn yếu và đặc biệt là cần tính tới ảnh hưởng lâu dài do biến đổi khí hậu gây ra.

Đại biểu Trương Văn Vở bày tỏ bức xúc trước tình trạng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bị xâm hại và đề nghị vấn đề bảo vệ rừng phải được quan tâm số 1.

Nhất trí với ý kiến trên, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (đoàn Bạc Liêu) phân tích, công tác quản lý bảo vệ rừng đang tồn tại quá nhiều vấn đề gây bức xúc, ảnh hưởng đến phát triển bền vững nên cần quan tâm.

Ở góc độ khác, đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) bức xúc: “Cần xem lại hơn 10 năm qua những kiến nghị, kết luận, những vấn đề được Quốc hội đặt ra về bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện như thế nào? Lâm tặc đang tấn công vào những vùng rừng cuối cùng giàu tài nguyên của Việt Nam. Thay vì tiếp tục giám sát nội dung nay sẽ tốn tiền, tốn công, tốn sức, chúng ta nên đánh giá lại để từ đó có chủ trương giải pháp phù hợp”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sửa đổi Hiến pháp: nhấn mạnh việc trưng cầu ý dân
Sửa đổi Hiến pháp: nhấn mạnh việc trưng cầu ý dân

(VOV) -Trưng cầu ý dân trong Hiến pháp cũ đã có nhưng lại chưa có luật để cụ thể hóa.

Sửa đổi Hiến pháp: nhấn mạnh việc trưng cầu ý dân

Sửa đổi Hiến pháp: nhấn mạnh việc trưng cầu ý dân

(VOV) -Trưng cầu ý dân trong Hiến pháp cũ đã có nhưng lại chưa có luật để cụ thể hóa.

Xử lý vấn đề đất đai phải công khai, minh bạch
Xử lý vấn đề đất đai phải công khai, minh bạch

(VOV) -Tuân thủ các quy định pháp luật, công khai, minh bạch là yếu tố then chốt tạo lòng tin nơi nhân dân.

Xử lý vấn đề đất đai phải công khai, minh bạch

Xử lý vấn đề đất đai phải công khai, minh bạch

(VOV) -Tuân thủ các quy định pháp luật, công khai, minh bạch là yếu tố then chốt tạo lòng tin nơi nhân dân.