Quốc hội thảo luận công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
VOV.VN - Quốc hội cũng thảo luận về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Chiều 1/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 31/5, các ý kiến ghi nhận những kết quả đạt được ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
Trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực và thế giới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế, nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời giúp kinh tế nước ta phục hồi sau đại dịch COVID-19 và đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân và doanh nghiệp. Năm 2022, nước ta cơ bản đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, vừa tập trung phòng, chống kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 3,32%, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ cơ bản ổn định, lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên họp giao ban, thành lập các đoàn kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án quan trọng của quốc gia, ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, huy động và tập trung triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, hoàn thành và đưa vào sử dụng 310 km đường cao tốc. Nhiều dự án tồn đọng kéo dài đã được tích cực xử lý đạt kết quả bước đầu.
Còn nhiều trăn trở
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đại biểu Quốc hội cũng trăn trở và thẳng thắn nhìn nhận không ít hạn chế, thậm chí là điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước thời gian qua. Con số được dẫn ra chính là tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt là 3,32% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01 là 5,6%; nhiều tỉnh, thành phố lớn đang tăng trưởng ở mức độ âm.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 25,1% tương ứng với gần 77.000 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính và phải bán tài sản để giải quyết thanh khoản, trong khi chính sách ưu đãi vẫn còn nhiều khó khăn, hạn hẹp.
Khó khăn của doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người lao động, tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự an toàn xã hội. Số lao động mất việc làm trong quý 1/2023 là 149.000 lao động, tăng 39.000 lao động so với quý 1/2022.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm bị đánh giá là tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Áp lực giải ngân khả năng hoàn thành mục tiêu trong những quý còn lại của năm 2023 là rất lớn.
Nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm, thậm chí có đến 3 đại biểu sử dụng quyền tranh luận để thể hiện quan điểm xoay hiện tượng “một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước” mà báo cáo của Chính phủ cũng như cơ quan của Quốc hội đã thẳng thắn nêu ra.
Điều mà các đại biểu đặt ra là tại sao từ trước đến nay không xuất hiện, hoặc có rất ít mà nay lan rộng từ trung ương đến địa phương và và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư? Có ý kiến chỉ rõ, “bộ phận” đó gồm 2 nhóm: Một là nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Hai là nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.
Đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn khi chủ trương của Đảng, Nhà nước đưa ra rất đúng về đổi mới giáo dục và phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa xã hội, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện chưa tương xứng và chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức.
Nạn bạo lực học đường có những biểu hiện đáng lo ngại cũng được phản ánh tới nghị trường, với tâm tư văn hóa học đường chưa được quan tâm đúng mức, trong đó có nguyên nhân từ nhiều phía, từ gia đình, nhà trường và xã hội và là vấn đề mà ngành giáo dục và toàn xã hội cùng nhìn nhận để có giải pháp phối hợp giải quyết.
Chừng nào chúng ta bảo đảm được vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc qua cũng là câu hỏi được đặt ra trực diện và mong có câu trả lời rành rọt, dứt khoát, vì theo đại biểu, cứ “đẩy qua đẩy lại” thì người phải trả giá chính là trẻ em. Câu chuyện thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế ở các cơ sở điều trị tiếp tục được đề cập, vì đến thời điểm này chưa có giải pháp căn cơ...
Liệu pháp đủ mạnh để xốc lại tinh thần làm việc
Đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với 11 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, song nhấn mạnh, biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi suất, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội.
Quốc hội, Chính phủ cần cơ chế, chính sách riêng cụ thể về đầu tư công, quyết tâm sát sao hơn nữa để gỡ các vướng mắc, nhất là các vướng mắc về thể chế, văn bản hướng dẫn cho các địa phương, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho địa phương chủ động thực hiện và tự chịu trách nhiệm vì chỉ có phân cấp, phân quyền mạnh và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu thì mới đẩy nhanh được tiến độ đầu tư công trong giai đoạn tới. Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công.
Cho rằng tại thời điểm này, người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội, đại biểu đề xuất Chính phủ nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó với những khó khăn, rủi ro đột ngột.
Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi căn cứ vào đó là có thể triển khai thực hiện được ngay.
Song, điều mà nhiều đại biểu trăn trở là có liệu pháp đủ mạnh để xốc lại tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ cũng như có liều thuốc đặc trị hiệu quả căn bệnh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai để không lan ra diện rộng làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mỗi địa phương và sự phát triển chung của đất nước.
Nếu không giải quyết dứt điểm “điểm nghẽn” trong vấn đề sợ trách nhiệm thì e rằng dù có đầy đủ hệ thống quy định thì vẫn không thể thúc đẩy tăng trưởng!./.