Quốc hội thảo luận Dự án Luật đất đai (sửa đổi)
(VOV) - Theo nhiều đại biểu, Dự án Luật cần hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và diện tích rừng.
Chiều nay (6/11), các đại biểu Quốc hôi thảo luận ở tổ về Dự án Luật Đất đai sửa đổi. Các vấn đề được nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến là quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, quy định khung giá đất, hạn mức giao đất, thu hồi đất, phân cấp quản lý đất.
Đánh giá chung của các đại biểu cho rằng, sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2003 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhưng qua thực tiễn cũng phát sinh những hạn chế, bất cập như chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ; pháp luật về đất đai hiện hành còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp, chưa thật đồng bộ; quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư và các thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều hạn chế. Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được đảm bảo tương xứng. Nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn. Tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp.
Theo nhiều đại biểu, cùng với giải quyết được những bất cập trong quản lý đất đai hiện nay, Dự án Luật cần hướng tới mục tiêu ưu tiên đất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và diện tích rừng.
Đại biểu Uông Chu Lưu đoàn Thanh Hóa kiến nghị: “Bây giờ làm thế nào bằng chế tài của luật này để vạch ra được chỉ đỏ, giữ được 3,8 triệu ha là đất trồng lúa 2 vụ để đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh lương thực. Chúng ta thấy rằng, phải bổ sung thêm chế tài về vấn đề quy hoạch đất đai thế nào, chuyển đổi đất đai từ mục đích sử dụng này sang mục đích sử dụng khác là phải rõ hơn. Thứ 2, bây giờ thời hạn sử dụng đất, hiện nay đất nông nghiệp quy định là 20 năm, đất trồng lúa đất trồng cây lâu năm là 50 năm. Bây giờ dự án đi theo hướng là không phân biệt thời hạn sử dụng đất của cây ngắn hạn hay là cây dài hạn mà tất cả đều quy định 50 năm, tôi cho hướng sử dụng này là tốt. Bởi vì giúp cho người dân yên tâm đầu tư và để có quy hoạch trồng các loại cây gì tạo ra giá trị gia tăng tốt hơn”.
Về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các đại biểu tán thành việc lập quy hoạch gồm 3 cấp Quốc gia, tỉnh và huyện. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, chỉ cần hai cấp Trung ương và tỉnh là được. Liên quan đến quy định kỳ quy hoạch, đại biểu cho rằng nếu thời gian kỳ quy hoạch chỉ là 10 năm và tầm nhìn 20 năm thì ngắn và rủi ro nhất là với các doanh nghiệp hoặc các mô hình sản xuất lớn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Luật cần điều chỉnh theo hướng kéo dài thêm thời gian kỳ quy hoạch. Liên quan đến khung giá đất, dự thảo luật quy định Chính phủ quy định khung giá đất và giao Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể nhưng không vượt quá khung mà Chính phủ đã giao…
Nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy là chưa hợp lý vì trong thực tế, giá đất trên thị trường còn vượt xa cả khung quy định.. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu giao Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định giá đất theo khung của Chính phủ đã quy định mà Hội đồng nhân dân không có vai trò gì thì sẽ gặp khó khăn thậm chí dễ nảy sinh tiêu cực. Không thể để Ủy ban nhân dân vừa cấp phép dự án, giao đất và lại quy định luôn giá đất…
Góp ý kiến về quy định khung giá đất, đại biểu Trịnh Thế Khiết đoàn Hà Nội nói: “Chính phủ giao cho cấp tỉnh để quy định giá đất là phù hợp. Điều này nó sẽ phù hợp rất nhanh chứ nếu để chính phủ quy định giá khung ở trên và khi thực hiện ở cấp tỉnh không đáp ứng được, thấy rằng giá quá thấp mà không điều chuyển được ngay mà phải 2, 3 năm có khi tỉnh đề nghị lên cũng chưa được điều chỉnh thì cũng không thể thay đổi được giá đất cho phù hợp thực tế thì sẽ gặp khó khăn. Tôi lấy ví dụ Hà Nội khung giá đất cao nhất ở xung quanh hồ Hoàn Kiếm là 80 triệu, nhưng giao dịch thực tế không phải 80 triệu mà gấp mấy lần 80 triệu”.
Thu hồi đất và cơ chế thu hồi đất là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.. Theo quy định đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, Nhà nước làm chủ đại diện... Nhà nước có quyền thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng…
Tuy nhiên, nhiều ví dụ rất thực tế được đại biểu nêu ra để Dự thảo luật có hướng quy định cụ thể hơn. Chẳng hạn diện tích đất của hai hộ khác nhau nhưng nếu bị thu hồi vì mục đích an ninh quốc phòng thì đương nhiên phải chấp hành nhưng nếu bị thu hồi đất để xây dựng siêu thị thương mại vì lợi ích công cộng thì lại được phép thương lượng. Nếu không giải quyết tốt mâu thuẫn này, thì việc nảy sinh khiếu kiện từ chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ còn tiếp tục xảy ra.
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ ủng hộ việc giao thêm nhiều quyền đối với chủ sử dụng đất, đánh giá cao việc giao quyền sử dụng đất từ 50 năm trở lên, để người dân yên tâm, đầu tư sản xuất, phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn gắn với cơ giới hóa.
Một điểm mới trong dự thảo luật theo đại biểu Trần Thanh Mẫn, đoàn Cần Thơ là quy định ký quỹ khi thực hiện các dự án đầu tư: “Cái quan trọng tôi thấy lần này ở điều 63 có ghi là phải ký quỹ để thực hiện các dự án đầu tư tôi cho rằng điểm này hết sức mới. Trước đây các doanh nghiệp đến, đầu tư ở các địa phương thì giao đất nhưng không có ký quỹ gì, rồi cho đầu tư, giải phóng mặt bằng lam nham rồi để đó. Địa phương cũng khó mà đảm bảo môi trường, an toàn, nhưng tới đây nếu dự án này có ký quỹ thì mình thực hiện mình quản lý được hoặc mình giao dự án nhưng nhà đầu tư không triển khai thì coi như ký quỹ này mình quản lý như thế nào để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thật, tạo điều kiện cho triển khai được các dự án kinh tế, xã hội”.
Ngày mai Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe báo cáo và thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Đài TNVN tường thuật trực tiếp phiên làm việc sáng mai (7/11) của Quốc hội bắt đầu từ 7h55 phút trên sóng Hệ Thời sự Chính trị Tổng hợp (VOV1)./.