Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Giáo dục Quốc phòng-An ninh
(VOV) -Về giáo dục kiến thức quốc phòng-an ninh trong nhà trường, các đại biểu đề nghị nghiên cứu tỷ lệ để tránh quá tải cho học sinh.
Chiều 22/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường và thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh (GDQPAN).
Tỷ lệ lồng ghép phải phù hợp
Ý kiến nhiều đại biểu nhất trí với việc giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình kết hợp với hoạt động ngoại khóa để hình thành những cơ sở, hiểu biết ban đầu về quốc phòng, an ninh cũng như hình góp phần hình thành ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc.
Tuy nhiên, đại biểu Triệu Thị Nái (đoàn Hà Giang) cho rằng, hiện nay nội dung các môn học đang quá tải đối với học sinh và chúng ta đang trong quá trình đổi mới giáo dục nên tỷ lệ lồng ghép cần được tính toán cho phù hợp và không nên bắt buộc tính điểm môn học.
Về Giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh, sinh viên từ trung học phổ thông đến đại học, Điều 12 dự thảo luật quy định là môn học chính khóa trong chương trình giáo dục trung học phổ thông; chương trình đào tạo trình độ trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng, đại học của nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Đại biểu Phạm Thị Trung (đoàn Kon Tum) nhất trí với quy định này nhưng đề nghị cần xem xét cách thức đánh giá môn học theo thang điểm hay xếp loại học sinh. Theo đại biểu, việc đánh giá theo thang điểm hiện nay chưa thực chất và còn mang tính hình thức. Ngoài ra, do là môn học không tham gia các kỳ thi nên có tâm lý dạy và học mang tính đối phó, cắt xén chương trình.
Đại biểu đề nghị, cái đích hướng đến của môn học là đánh giá thái độ của học sinh trong thực tế, do đó cần nghiên cứu theo hướng tinh giảm chương trình, dạy và học thực chất.
Có ý kiến cho rằng nội dung GDQPAN trong nhà trường quy định tại khoản 2 Điều này áp dụng chung cho học sinh, sinh viên từ trung học phổ thông đến đại học là không hợp lý.
Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội cũng cho rằng mục đích, yêu cầu giáo dục đối với mỗi cấp học, bậc học cũng như từng loại hình đào tạo có sự khác nhau, theo đó việc phân định thẩm quyền quy định chương trình, nội dung cũng có sự khác nhau tùy theo lĩnh vực quản lý của từng bộ, ngành. Vì vậy, dự thảo Luật cần được thiết kế lại theo hướng quy định nội dung GDQPAN phù hợp với mục đích, yêu cầu giáo dục của từng cấp học, bậc học, bảo đảm tính liên thông của chương trình và thẩm quyền quản lý nhà nước của các bộ, ngành thống nhất với quy định của Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, Luật dạy nghề và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho người quản lý doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập (Điều 15), có ý kiến cho rằng sự biến động ở khu vực này rất phức tạp (thành lập, sáp nhập, giải thể, phá sản...) nên nếu không tính đến yếu tố này sẽ khó bảo đảm tính khả thi của Luật.
Nhiều đại biểu đề nghị, dự thảo Luật nên quy định chung về nguyên tắc phân loại doanh nghiệp dựa theo tiêu chí về quy mô, tính chất, số lượng lao động và mức độ ảnh hưởng đối với xã hội làm căn cứ để Chính phủ quy định hình thức GDQPAN cho phù hợp.
Về nội dung này, đại biểu Triệu Thị Nái (đoàn Hà Giang) cho rằng nếu quy định như trong dự thảo thì tính khả thi không cao. Đại biểu đề nghị nên đưa đối tượng này vào diện phổ biến kiến thức quốc phòng an ninh.
Quá nhiều điều giao Chính phủ hướng dẫn
Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về tính cụ thể của dự thảo khi có quá nhiều điều khoản được giao cho Chính phủ ban hành Nghị định, thông tư hướng dẫn. Điều này dễ dẫn đến tình trạng “luật chờ Nghị định”, “luật khung, luật ống”.
Nhiều ý kiến đề nghị, với những nội dung đã được thực tiễn kiểm nghiệm, tính khả thi cao thì nên quy định ngay trong Luật để hạn chế đến mức thấp nhất số lượng văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, cần rà soát, cân nhắc kỹ các nội dung trong dự thảo để tránh sự trùng lặp, mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) lấy ví dụ Điều 23 Giáo viên, giảng viên GDQPAN, tại khoản 3 quy định: Chính phủ quy định thời gian, lộ trình hoàn thành trình độ chuẩn giáo viên, giảng viên GDQPAN theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Theo đại biểu, nội dung này không cần giao Chính phủ hướng dẫn mà nên quy định rõ luôn trong Luật như 2 năm phải đạt 50% và 5 năm phải đạt chuẩn.
Hay Khoản 3 Điều 26 dự thảo thể hiện: Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thẩm quyền quyết định công nhận Báo cáo viên cho các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều này. Theo đại biểu Trương Minh Hoàng, quy định này không cần thiết vì Khoản 2 đã quy định rất cụ thể.
Ngoài ra, có ý kiến băn khoăn nội dung Điều 8 quy định về Trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh và cho rằng cần nghiên cứu để có mô hình thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với đặc thù đối tượng, vùng miền cũng như yếu tố giáo viên, chế độ tương ứng./.