Quốc hội thông qua dự toán NSNN năm 2011

Với 80,53% ý kiến tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự toán NSNN năm 2011 với tổng số thu 595.000 tỷ đồng; tổng chi 725.600 tỷ đồng; mức bội chi là 120.600 tỷ đồng

Sáng 10/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, các đại biểu làm việc tại Hội trường nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011. Tiếp đó, các đại biểu tiến hành biểu quyết thông qua dự toán này.

Năm 2011, dự toán tổng số thu cân đối NSNN là 595.000 tỷ đồng, tương đương 26,2% GDP. Nếu tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2010 sang, tổng số thu cân đối NSNN năm 2011 là 605.000 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối NSNN là 725.600 tỷ đồng; Mức bội chi NSNN là 120.600 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP.

Các đại biểu Quốc hội cũng tán thành các giải pháp thực hiện dự toán NSNN năm 2011 do Chính phủ trình và kiến nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách trong Báo cáo thẩm tra, đồng thời nhấn mạnh những giải pháp trọng tâm: Thực hiện chính sách tài khoá thận trọng, kiểm soát chặt chẽ thu, chi NSNN.

Trong quá trình điều hành NSNN cần có giải pháp để giảm bội chi năm 2011 xuống dưới 120.600 tỷ đồng (tương đương 5,3% GDP) và giảm dần trong các năm sau. Xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020, tầm nhìn 2030, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu về kinh tế - xã hội năm 2011.

Dự toán NSNN năm 2011 cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, tăng cường quản lý công tác thu NSNN, bảo đảm thu đúng, thu đủ theo luật định; giảm hẳn tình trạng nợ đọng thuế, gian lận thuế.

Trường hợp thu ngân sách nhà nước tăng so với dự toán, số vượt thu ngân sách Trung ương được sử dụng ít nhất 30% để giảm bội chi NSNN năm 2011. Chính phủ báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về phương án phân bổ cụ thể số vượt thu ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề chi ngân sách, dự toán yêu cầu cần quản lý chặt chẽ chi NSNN, triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách cũng như các nguồn tài chính công khác; khắc phục tình trạng chi chuyển nguồn lớn, chi ngoài dự toán, chi vượt dự toán không đúng thẩm quyền, sai quy định của Luật NSNN và các Nghị quyết của Quốc hội. Rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư; đầu tư đồng bộ; tập trung bố trí vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách, hoàn thành trong năm 2011 - 2012, nhất là ở các địa phương nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đang còn nhận bổ sung lớn từ ngân sách Trung ương.

Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị, gắn với cơ chế đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cụ thể. Thực hiện cơ chế giá dịch vụ theo hướng từng bước tính đủ chi phí, đồng thời Nhà nước có chính sách hỗ trợ các đối tượng chính sách, người nghèo; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các loại hình sự nghiệp; tăng cường quản lý Nhà nước đối với các dịch vụ công đã được xã hội hoá.

Trong năm 2011, các đại biểu tán thành với kế hoạch phát hành 45.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án, công trình trong danh mục do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là nguồn đi vay, đề nghị Chính phủ cần có kế hoạch, cần đến đâu phát hành đến đó, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, có kế hoạch hợp lý trả nợ gốc và lãi hàng năm; quản lý vốn trái phiếu chính phủ đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các khoản chi trong cân đối NSNN và các khoản chi được quản lý qua NSNN, vay về cho vay lại, bảo lãnh vay của Chính phủ, các khoản chi từ các quỹ tài chính Nhà nước, các khoản vay, tạm ứng của các Bộ, chính quyền địa phương. Thực hiện nguyên tắc ngân sách của Bộ, ngành, địa phương nào vay, tạm ứng thì ngân sách của Bộ, ngành, địa phương đó phải bố trí nguồn để trả, ngân sách trung ương không bố trí nguồn để trả thay.

Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2011 cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, kể cả các khoản vay trong và ngoài nước, bảo đảm sử dụng vốn có hiệu quả. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc sử dụng ngân sách, tài sản và nguồn vốn khác của nhà nước.

Năm 2011 sẽ thực hiện 15 Chương trình mục tiêu quốc gia theo đề nghị của Chính phủ. Quốc hội yêu cầu Chính phủ xây dựng tiêu chí, định mức và phương án phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện; phân giao cho các Bộ, ngành, địa phương trước ngày 31/1/2011. Đồng thời trong năm 2011, Chính phủ tổng kết toàn diện các chương trình mục tiêu quốc gia; xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng theo hướng lồng ghép nội dung, tinh gọn đầu mối quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia cho cả thời kỳ 2011 - 2015 trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu đã thảo luận tại Hội trường, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Chiều 10/11, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên