Quốc hội và Chính phủ sẽ phối hợp để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc
VOV.VN - Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh mong muốn Hội đồng Dân tộc và các đại biểu Quốc hội là thành viên của Hội đồng Dân tộc sẽ có sự phối hợp, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình để triển khai các chính sách kịp thời tới đồng bào các dân tộc thiểu số.
Nhân dịp kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XVdiễn ra tại Thủ đô Hà Nội, tối 31/5, Uỷ ban Dân tộc (UBDT) tổ chức buổi gặp mặt với các đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng Dân tộc (HĐDT).
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã thông tin tới các đại biểu về tình hình thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và một số vấn đề đang được các ĐBQH, cử tri và nhân dân quan tâm.
Theo đó, hiện UBDT chủ trì, xây dựng 38 đề án, chính sách dân tộc nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chú trọng các chính sách phát triển kinh tế- xã hội, phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số…
Đặc biệt, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đánh giá, đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về thực hiện chính sách dân tộc, nhu cầu đầu tư thực tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là rất lớn, lại bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nên quá trình thực hiện có những vướng mắc.
Với chính sách Thí điểm cấp radio cho vùng dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết, Dự án này được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt vào năm 2017, đến năm 2018 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định giao vốn, nhưng sau khi giao vốn đến tận 8/2019, UBDT mới hoàn thành thủ tục tổ chức đấu thầu, sau khi chấm thầu sơ bộ, không nhà thầu nào đủ điều kiện. Đồng thời tại thời điểm đó, UBDT đang trình Quốc hội ban hành chương trình tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó đã tích hợp phương tiện nghe nhìn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào dự án 10, cũng giống như chính sách khác chưa thực hiện.
"Năm 2020-2021, Bộ Tài chính không giao vốn thực hiện dự án thí điểm này nữa, chúng tôi phải chờ quyết định giao vốn của chương trình mục tiêu quốc gia. Đến ngày hôm nay, đã giao vốn của chương trình mục tiêu rồi, trong đó có hợp phần 10, UBDT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát và tiếp tục thực hiện dự án này bằng nguồn vốn ngân sách của năm 2022" - ông Hầu A Lềnh cho biết.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh mong muốn Hội đồng Dân tộc và các đại biểu quốc hội là thành viên của Hội đồng Dân tộc sẽ có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình để triển khai các chính sách kịp thời tới đồng bào các dân tộc thiểu số. Bởi trong bối cảnh khó khăn về nguồn thu của ngân sách Trung ương dẫn đến khó khăn trong việc cân đối ngân sách Trung ương cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ vẫn chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính dành ưu tiên cao nhất cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; có phương án cân đối hơn 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư và hơn 54.000 tỷ đồng vốn chi thường xuyên cho các dự án, Tiểu dự án của Chương trình theo đúng chủ trương đã được Quốc hội phê duyệt.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, thời gian tới sẽ đặt ra nhiều thách thức cho cả nước nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng.
"Dịch bệnh tiếp tục còn diễn biến phức tạp, tác động ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, trong khi thu ngân sách quốc gia bị giảm. Vì vậy, ngân sách đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội khó khăn, các Chương trình mục tiêu quốc gia chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, đời sống của người dân tiếp tục đối mặt với với nhiều khó khăn, thách thức. Đề nghị UBDT nhanh chóng hoàn thành các thủ tục, ban hành các văn bản theo quy định để triển khai thực hiện, giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030" - ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết./.