Đại biểu Quốc hội: Áp dụng bài học chống Covid-19 để phát triển kinh tế
VOV.VN -Công nghệ dược phẩm và y tế của Việt Nam đã bước sang kỷ nguyên mới với sản phẩm test kit Covid-19 đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Chiều 8/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Nhìn chung, các ý kiến đánh giá cao về kết quả điều hành của Chính phủ trong việc đẩy lùi Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh trên thế giới còn nhiều phức tạp và các nền kinh tế hàng đầu rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước chiều 8/6. |
Bên cạnh đó các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp thúc đẩy kinh tế-xã hội và các phương án đề phòng sự lây lan trở lại của dịch bệnh.
Bài học từ tổ chức chống dịch Covid-19
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn TP Hà Nội nhấn mạnh, trong khi kinh tế thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương với độ mở của kinh tế là 200%. Đạt được kết quả trên là nhờ vào năng lực cân bằng của thị trường nội địa. Bên cạnh đó, khu vực nông nghiệp đã thể hiện vị thế và điều này phải nhìn nhận đánh giá lại trong thời gian tới.
Đặc biệt hơn, đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ ra các quyết sách chưa từng có trong tiền lệ của Chính phủ được đưa ra kịp thời và khẩn trương, như gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Điều này thể hiện mục tiêu phát triển kinh tế bao trùm, không để ai phải ở phía sau. Thêm vào đó, ngành giáo dục đã thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi ngoạn mục.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn TP Hà Nội nhấn mạnh, trong khi kinh tế thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương với độ mở của kinh tế là 200%. là rất ấn tượng. |
“Những ngày đầu phát dịch, toàn ngành bị động theo dõi từng tuần lịch học thì sang đến giai đoạn giãn cách, phương pháp giảng dạy và học tập trực tuyến của nhà trường đã diễn ra rất nghiêm túc. Hệ thống giáo dục đào tạo thay đổi căn bản, tương tác giữa người dạy và học gần như liên tục, phá bỏ những hạn chế về không gian”, ông Cường nói.
Cắt nghĩa để có được những thành công trên, theo đại biểu Hoàng Văn Cường là do Việt Nam đã đặt bối cảnh đất nước như trong thời chiến, dẫn đến hành động quyết liệt trong quản lý từ Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương bỏ qua các bước tuân thủ quy trình, quy tắc với các quyết sách đưa ra rất kịp thời.
“Chính phủ điều hành dựa vào những quyết định có hiệu quả chứ không phải là quy trình, quy tắc. Đổi mới sáng tạo phải nằm ở đội ngũ quản lý, đã đến lúc công tác điều hành với những thước đo quản lý không phải là tuân thủ quy trình tiền kiểm, mà các đánh giá phải dựa vào hiệu quả cũng như công tác kiểm tra hậu kiểm,” ông Cường nhìn nhận.
Kỷ nguyên mới của y học Việt Nam
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn TP Hà Nội cho rằng Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế quốc tế cũng như trong nước, mặc dù chúng ta đã khống chế rất tốt dịch. Chính phủ đã quyết liệt xử lý dịch, có giải pháp hợp lý, Việt Nam là một trong những tấm gương xử lý Covid-19 của thế giới.
Các bệnh nhân nhiễm Covid-19 được chúng ta dồn hết sức, mọi biện pháp chữa trị, đến nay chưa có trường hợp tử vong. Ngay cả bệnh nhân người Anh bị bệnh rất nặng đang được chữa trị tốt – điều mà ngay cả khi ở Anh bệnh nhân này chưa chắc có được sự chăm sóc y tế tận tình như vậy.
“Đặc biệt, công nghệ dược phẩm và y tế của Việt Nam đã bước sang kỷ nguyên mới với sản phẩm test kit đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm kit của Việt Nam không chỉ đủ dùng lại còn xuất khẩu sang quốc gia khác”, ông Trí khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn TP Hà Nội cho rằng công nghệ dược phẩm và y tế của Việt Nam đã bước sang kỷ nguyên mới với sản phẩm test kit đạt tiêu chuẩn quốc tế. |
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng và dòng dịch chuyển đầu tư nước ngoài nhằm tránh phụ thuộc vào một thị trường, như Trung Quốc, theo đó các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ là những địa điểm đón nhận. Và, Việt Nam có ưu thế với thương hiệu quốc gia cùng các quan hệ đối tác thương mại song phương, đa phương ở trình độ cao.
Tuy nhiên, ông Cường khuyến nghị ở thời điểm này, Việt Nam cần thiết phải tập trung cao vào định hướng chiến lược thu hút đầu tư chứ không phải ‘trải thảm đỏ’ như trước đây. Chiến lược mới là săn tìm nhà đầu tư, chứ không là thụ động ngồi chờ nhà đầu tư đến để sàng lọc.
Việt Nam cần tìm kiếm và có chính sách ưu đãi hấp dẫn các FDI có chất lượng, như ưu tiên đầu tư công phân bổ vào lĩnh vực tạo hạ tầng thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các nhà đầu tư lớn. Thêm vào đó, Chính phủ cần có chính sách đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các nhà đầu tư tư nhân xây dựng đủ tiềm lực để có thể bắt tay các nhà đầu tư lớn quốc tế.
Chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian quan, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) khẳng định Đảng đã đưa ra các quyết sách rất chuẩn nhưng Quốc hội là chưa thể chế hóa. Như, các nghị quyết phát triển hành chính công, dịch vụ công đã có lý luận và chỉ đạo của Đảng từ rất lâu rồi đồng thời Chính phủ, các tỉnh-thành địa phương đều ủng hộ, song công tác lập pháp pháp là chưa được.
Theo bà Khánh: “Cần phải có pháp luật về dịch vụ công, như quản lý Nhà nước thì đã có song cung ứng về dịch vụ công lại bỏ ngỏ, không ai làm.”
Quyết liệt ngăn chặn “làn sóng” Covid-19 lần thứ hai
Khẳng định Việt Nam đã rất thành công với chất lượng về cảnh báo và giải pháp phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh Covid-19 đồng thời chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn vì sức khỏe của người dân, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đánh giá đó là các quyết sách sáng suốt.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) phát biểu. |
Song, ông Tuấn chỉ ra đến thời điểm này dịch bệnh Covid-19 đang để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế. Với ngành y tế, tác động xấu đầu tiên là sức khỏe người bệnh không được chăm sóc đầy đủ, như sau thời gian giãn cách có khoảng 30% bệnh nhân không đến bệnh viện và thay vào đó họ tự điều trị ở nhà, điều này cũng ảnh hưởng các đơn vị bệnh viện tự chủ.
Theo ông Tuấn, dịch Covid-19 dự báo còn diễn biến rất phức tạp, trong khi Việt Nam có đường biên giới rộng và thời gian tới bắt buộc mở lại các đường bay quốc tế. Những điều này có thể gây ra “làn sóng” thứ hai về dịch Covid-19 và thậm chí sẽ nguy hiểm, mạnh mẽ hơn “làn sóng” thứ nhất. Do đó, Chính phủ cần có những giải quyết liệt nhằm ngăn chặn “làn sóng” thứ hai không để xảy ra.
“Mục tiêu hàng đầu đặt ra hiện nay là giữ được kết quả kiểm soát dịch bệnh, bên cạnh đó không được chủ quan, lơ là. Nếu không kiểm soát tốt ở cửa khẩu, sân bay, bến cảng, đường món, lối mở và chỉ cần sơ xảy 1 chút sẽ rất tai hại, khó kiểm soát tình hình,” đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Ngân phát biểu. |
Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Ngân cho rằng cần phải tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Theo đó, các gói hỗ trợ cần phải triển khai rất nhanh. Trong hoạt động doanh nghiệp, những giải pháp giữ chân được người lao động cần được ưu tiên.
“Vấn đề tiếp theo là giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn năm 2019 chuyển qua sang cộng vào khoảng 700.000 tỷ đồng ngàn tỷ đồng của năm nay. Và, nếu giải ngân tốt thì sẽ thúc đẩy, kéo theo các nguồn lực đầu tư khác trong xã hội. Nhưng phải đảm bảo hiệu quả, chống thất thoát, tiết kiệm, tránh đầu tư giàn trải, thiếu kiểm soát và tăng cường kiểm toán các khoản đầu tư công,” ông Ngân nói.
"Chưa có vacxin, thuốc đặc trị bệnh thì chưa nói lên điều gì”
Thảo luận tại Tổ số 07 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận và Quảng Trị, đại biểu Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong năm 2020 mặc dù dưới tác động lớn của đại dịch nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước thì Việt Nam đã thực hiện thành công kiểm soát dịch bệnh, cơ bản khống chế tình hình.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ xác định các giải pháp chính như tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp. |
Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước kịp thời có các chính sách ứng phó, không chủ quan, tổ chức triển khai quyết liệt. Điều này cũng cho thấy thấy sự ưu việt của chế độ và ưu việt của y tế công ở nước ta.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đại dịch Covid-19 lần này đã đứt gãy chuỗi giá trị, ảnh hưởng đến du lịch, giảm nhu cầu, giảm xuất nhập khẩu. Tình hình tháng 4 xấu, tháng 5 có khởi sắc nhưng đến tháng 6 tình hình còn rất khó khăn. Trong bối cảnh đó Chính phủ đã theo dõi hết sức chặt chẽ tình hình, liên tục đưa ra giải pháp, có các gối hỗ trợ hướng đến nhóm đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương và doanh nghiệp trong đó hướng đến người lao động, giãn hoãn các khoản phải nộp phải thu phải đóng của doanh nghiệp, hướng đến miễn giảm các khoản phải nộp để làm giảm áp lực cho doanh nghiệp, mục tiêu vượt qua khó khăn ko làm đứt gãy chuỗi sản xuất.
Về dự báo tình hình, khi chưa có vacxin chưa có thuốc đặc trị bệnh thì chưa nói lên điều gì, do đó Chính phủ đã cân nhắc mọi mặt và quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng ở mức 4,5% để báo cáo Quốc hội xem xét quyết định. Du mức tăng trưởng 4,5% vẫn là mức rất cao nhưng để đặt mục tiêu thấp thì ko còn động lực phấn đấu. Do đó đòi hỏi quyết tâm và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu đề ra.
Thủ tướng: Sau dịch Covid-19, cả thế giới biết đến Việt Nam
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ xác định các giải pháp chính như tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp; giải ngân nhanh và hết vốn đầu tư công, chú trọng dự án trọng điểm quan trọng, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tranh thủ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa; đồng thời tranh thủ sự dịch chuyển đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nghiên cứu và xây dựng chiến lược quyết sách về vấn đề này, đang hoàn thiện để báo cáo Chính phủ để có quyết sách thu hút đầu tư có chọn lọc trong đó xác định rõ tiêu chí để thực hiện./.