Đại biểu quốc hội băn khoăn khi cho cấp xã ký kết thỏa thuận quốc tế

VOV.VN - Việc mở rộng chủ thể được ký kết thỏa thuận quốc tế đến tận cấp xã khiến nhiều đại biểu băn khoăn và đề nghị xem xét lại phạm vi thực hiện.

Sáng nay (17/6), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Bên cạnh việc đồng tình với việc ban hành Luật, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về phạm vi có thẩm quyền (chủ thể) thực hiện các thỏa thuận quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, đoàn Cần Thơ (Ảnh: Quốc hội)

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, đoàn Cần Thơ, luật quy định theo hướng mở rộng chủ thể được ký thỏa thuận quốc tế phù hợp với xu hướng đa dạng về nội dung, quy mô, cấp độ quản lý trong ký kết hợp tác quốc tế, nghĩa là cơ hội tốt trong việc mở rộng hợp tác quốc tế.

Mở rộng chủ thể ký kết hợp tác quốc tế đến cấp xã

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cũng băn khoăn việc quy định UBND cấp huyện, xã, nhất là UBND cấp xã cũng là chủ thể ký thỏa thuận.

“Tôi lo lắng không biết năng lực và am hiểu trong thỏa thuận quốc tế ở cấp này như thế nào, đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm. Mặc dù Điều 23 của dự luật có quy định trình tự, thủ tục trước khi ký phải xin ý kiến cơ quan đối ngoại cấp tỉnh”, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân nêu ý kiến.

“Việc ký thỏa thuận chỉ là một phần của thỏa thuận vấn đề triển khai và quản lý thực thi thỏa thuận cũng rất quan trọng, phải có năng lực mới làm tốt được công tác triển khai này. Vì thế, tôi đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc thêm quy định chủ thể này sao cho phù hợp”, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân kiến nghị.

Đại biểu Đôn Tuấn Phong, đoàn An Giang (Ảnh: Quốc hội)

Cùng quan điểm này, đại biểu Đôn Tuấn Phong, đoàn An Giang cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với năng lực thẩm định, thực hiện các ký kết thỏa thuận quốc tế ở cấp xã; Quy định về thủ tục làm sao để đảm bảo vừa thông thoáng nhưng chặt chẽ trong quản lý hoạt động hợp tác quốc tế của các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã. Ngoài ra, cân nhắc xem xét quy định điều chỉnh thỏa thuận có liên quan đến viện trợ.

“Nhiều thỏa thuận chúng ta không thể thỏa thuận chung được mà trong đó phải có các nội dung hợp tác thực chất. Để hợp tác thực chất thì chắc chắn phải có các nội dung hợp tác về mặt kỹ thuật, viện trợ về kỹ thuật hay là tài chính… Nếu chúng ta tách ra, vô hình chung rất nhiều các thỏa thuận sẽ phải điều chỉnh”, đại biểu Đôn Tuấn Phong nói.

Các đại biểu còn lo lắng khả năng xảy ra các tranh chấp và xử lý tranh chấp sau khi ký kết thỏa thuận quốc tế. Những tranh chấp này, bản thân các đơn vị có thẩm quyền cũng không dễ giải quyết, chưa nói đến cơ quan cấp xã. Nhất là Việt Nam hiện có khoảng 11.000 xã, với trên 600 huyện, mở rộng chủ thể được ký kết hợp tác quốc tế đến cấp xã có thể là quá rộng.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Tôi rất băn khoăn khi mình cho ký nhiều quá, rộng quá có thể phát sinh nhiều vấn đề, hệ lụy và đặc biệt là tranh chấp, xung đột, kiện cáo. Tôi đề nghị đối với Nhà nước, thì chỉ đến UBND tỉnh có thể mở rộng đến các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Nếu như huyện và xã có thỏa thuận nào đó thì cũng nên để cho các UBND tỉnh đó ký”.

“Các xã không đủ chuyên gia, cũng có khi có những lợi ích thiết thực, người ta thấy hay quá đã trao đổi, nhận ứng hàng, ứng tiền… sau này không làm được, lại phát sinh kiện cáo rất là phức tạp”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích.

“Ngay cả những cơ quan nhà nước lớn hay doanh nghiệp nhà nước lớn, cũng có khi có tranh chấp, mới bắt đầu động đến vấn đề phí luật sư tư vấn… Chuẩn bị ký kết là phải có luật sư tư vấn, nhưng đa số trường hợp mình không có luật sư tư vấn ở giai đoạn này, rồi khi có tranh chấp, có kiện ở nước ngoài, thì tiền đâu mà đi hầu kiện? Ngoài ra, cần nghiên cứu thêm sự chồng chéo hay xung đột của luật này với các luật khác”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên