Băn khoăn về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025
VOV.VN - Nhiều ý kiến băn khoăn về sự trùng lắp giữa nội dung của một số dự án, tiểu dự án trong chương trình giảm nghèo với các chương trình xây dựng nông thôn mới và dân tộc miền núi.
Thảo luận đề xuất về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025 do Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội trình bày tại phiên họp toàn thể của Ủy ban về các vấn đề xã hội, các thành viên Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Chương trình. Tuy nhiên, các ý kiến còn băn khoăn về sự trùng lắp giữa nội dung của một số dự án, tiểu dự án trong chương trình giảm nghèo với các chương trình xây dựng nông thôn mới và dân tộc miền núi.
Các ý kiến cho rằng, sở dĩ có sự trùng lặp này là do chưa làm rõ, thống kê chính xác đối tượng, địa bàn, chưa cụ thể hóa được nội dung hỗ trợ đầu tư đến từng đối tượng cụ thể và trách nhiệm của từng chương trình.
Để tránh trùng lặp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới dự kiến không đầu tư tại 70 huyện nghèo và 200 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững. Tuy nhiên, một số ý kiến lưu ý nên cân nhắc điều này vì Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững sẽ không thể thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Điều này tạo sự khó khăn cho các địa bàn trong thực hiện tiêu chí về nông thôn mới.
Các ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc tiếp tục phối hợp rà soát, phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung hoạt động có thể trùng lặp hoặc bỏ sót giữa 3 chương trình để đề xuất cơ chế lồng ghép, tích hợp các nội dung hoạt động, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Chia sẻ với băn khoăn của một số thành viên Ủy ban, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, trong quá trình xây dựng, giữa chương trình xây dựng nông thôn mới với chương trình giảm nghèo đã có một quá trình, qua một thời gian vận hành, băn khoăn nhất là chương trình giảm nghèo với chương trình dân tộc miền núi có trùng lắp hay không. Tuy nhiên, chương trình dân tộc miền núi được tách ra từ chương trình giảm nghèo, do đó những công việc chuyển sang chương trình mới, thì chương trình giảm nghèo không làm nữa.
Như vậy, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, về cơ bản, 3 chương trình trên nếu nói là không trùng lắp thì không hẳn, chắc chắn có sự giao thoa và trong quá trình thực hiện sẽ phải điều chỉnh tiếp. Những trùng lắp về cơ bản cũng đã được xử lý.
Một trong những nội dung còn nhiều băn khoăn của các thành viên Ủy ban đó là cần làm rõ giảm nghèo, ưu tiên cho người nghèo, vùng nghèo đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp không nhất thiết phải đặt ở vùng nghèo. Việc phát triển hệ thống đào tạo ở các trường nghề, đặc biệt trường nghề chất lượng cao cho các vùng thì vẫn có thể quan tâm đến những đối tượng nghèo, không trường nào có thể phân biệt đào tạo riêng đối tượng nghèo hay đối tượng có thu nhập cao. Không nên đầu tư một trường đào tạo chỉ dành riêng cho đối tượng nghèo. Vấn đề ở đây là chính sách với người nghèo ra sao, người nghèo cũng tiếp cận được, giống như người có thu nhập cao, người nghèo cũng được đào tạo trong môi trường có chất lượng cao.
Về nội dung lồng ghép giáo dục dạy nghề vào chương trình giảm nghèo, Bộ trường Đào Ngọc Dung thừa nhận có những nội dung rất khó bóc tách, có những trường nghề, không phải tất cả học sinh đều thuộc diện nghèo, mà cũng có những em không thuộc diện nghèo. Nhưng phần đa là người nghèo đi học nghề. Vì thế đặt vấn đề lồng ghép là nhằm mục tiêu làm sao để đào tạo với chất lượng cao hơn để phục vụ nền tảng cơ bản. Đối với những lĩnh vực nghèo, đối tượng nghèo, phạm vi địa bàn nghèo, thì để lại, chất lượng cao thì bóc tách ra. Nhưng nếu để lại được là tốt nhất, đỡ phải điều chỉnh lại. Nếu bóc tách ra rất khó khả thi, do vậy có thể điều chỉnh cách thể hiện để có thể vẫn giữ được chương trình này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ý kiến./.