Biến động Biển Đông: Kinh tế phải gắn với an ninh-quốc phòng
VOV.VN -Cần xem xét cơ cấu lại thị trường, là cơ hội để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguyên liệu của Trung Quốc.
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (23/5), các đại biểu Quốc hội khóa XIII thảo luận tại tổ về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Các ý kiến thảo luận tại tổ đều khẳng định những tháng còn lại của năm 2014, các giải pháp cần thay đổi, đặc biệt trong hiện nay cần động viên, tiết kiệm, tập trung vật chất, tinh thần, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước; động viên nhân dân, toàn đảng, toàn dân tập trung lao động, tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ thời gian tới.
Tại tổ TP HCM, đại biểu Võ Thị Dung cho rằng, với diễn biến gần đây thì tình hình phát triển kinh tế-xã hội còn khó khăn, đời sống dân có nhiều bức xúc chưa được giải quyết, đặc biệt là về công ăn việc làm của người lao động Sự phục hồi kinh tế, theo quan sát của đại biểu Dung, chưa rõ nét. Công ăn việc làm vất vả nên chưa thể quá lạc quan với tình hình thời gian tới.
Đại biểu Võ Thị Dung cho rằng, tình trạng lãng phí, tham nhũng còn lớn. Vì thế, thời gian tới cần quản lý các nguồn lực quốc gia có hiệu quả. Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người dân có nhiều nhưng cần rà soát lại. Nhiều chính sách nhưng dàn trải, chưa đem lại quỹ phúc lợi căn cơ. Vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt khó khăn có nhiều nhưng dàn trải, đầu tư nhiều nhưng thật sự không hiệu quả.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong bối cảnh thế giới bất ổn, quốc phòng an ninh cần đặt lên hàng đầu. Kinh tế phải đặt trong bối cảnh động, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô gắn với an ninh quốc phòng. “Phải rà lại các dự án, để loại ra những dự án cần ngừng, ưu tiên cho dự án gắn kết với an ninh quốc phòng” – đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Còn đại biểu Trần Du Lịch thì cho rằng, vật tư nguyên liệu hiện phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc. Những diễn biến hiện nay khiến chúng ta phải nghĩ tới việc phải thay đổi nguồn này, nếu cứ phụ thuộc vào Trung Quốc thì không thể hướng tới TPP. “Trong cái rủi có cái may. Chính sự kiện này là cơ hội để chúng ta thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguyên liệu của Trung Quốc” – Đại biểu Trần Du Lịch nêu ý kiến.
Cùng chung quan điểm phải hỗ trợ ngư dân phát triển đội tàu để bám biển của đại biểu Trần Hoàng Ngân, đại biểu Trần Du Lịch cũng khẳng định cần thiết tập trung đóng tàu cho ngư dân thuê tàu với giá rất ưu đãi.
“Tất cả các khoản chi, trừ chi tiền lương và các khoản trợ cấp xã hội, đề nghị Quốc hội cắt hết. Đây là thể hiện thái độ khi đất nước khó khăn” – Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Cùng chung mối quan tâm này, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, phải dự báo cho được ảnh hưởng của vấn đề biển Đông đối với nền kinh tế, đặc biệt là với xuất nhập khẩu, an ninh lương thực, và tăng trưởng kinh tế liệu có đạt được chỉ tiêu không.
Phải quan tâm đến tam nông
Nhiều đại biểu nêu vấn đề, cùng với việc tái cấu trúc nền kinh tế, bên cạnh tái cấu trúc thị trường, trọng tâm phải giải quyết bài toán nông nghiệp.
Đại biểu Đào Văn Bình (đoàn Hà Nội) bày tỏ lo lắng: Tăng trưởng về nông nghiệp, 3 năm gần đây ngày càng thụt lùi, chứng tỏ đời sống nông dân khó khăn. Trong thành tích nông thôn mới, nhiều làng quê khang trang. Bề ngoài rất phấn khởi nhưng bên trong vẫn còn tình trạng chạy đua thành tích, không bền vững. Nhiều đơn vị vay tiền trước để đầu tư. Có những huyện nợ đầu tư xây dựng nông thôn mới hàng trăm tỷ. “Nhiệm kỳ này ông vay tiền đầu tư để lại nợ cho khóa sau” – đại biểu nêu thực trạng.
Cùng chia sẻ về nội dung này, đại biểu Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội) cho rằng, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp vẫn làm theo kiểu mùa vụ, không có chiến lược nên người nông dân khi sản xuất ra vẫn được mua mất giá. Dịch bệnh chưa đến thì nông dân đã chết rồi. Cần có chiến lược qui hoạch lại khu vực sản xuất nông nghiệp. Chính phủ đặt mục tiêu đảm bảo người nông dân lãi 30% nhưng chưa làm được.
Bên cạnh đó, cũng theo đại biểu Trịnh Thế Khiết, sản phẩm nông nghiệp lớn nhưng việc tạo điều kiện cho DN vào được sau thu hoạch, công nghiệp chế biến còn hạn chế. Nhiều DN muốn vào để làm sau thu hoạch nhưng cơ chế chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính phủ cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho chế biến nông sản./.