'Bộ trưởng đưa ra giải pháp còn hiền quá!'
(VOV) -“Tôi rất mong Bộ trưởng thể hiện sự mạnh mẽ hơn trong những kiến nghị, giải pháp của mình”.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đã chia sẻ như vậy ngay sau khi nghe phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát. Đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ: “Tôi rất chia sẻ với những khó khăn của ngành nông nghiệp và tôi thấy Bộ trưởng cũng đã lắng nghe các câu hỏi một cách nghiêm túc và trả lời. Tôi có một khăn khoăn trong giải pháp, tôi thấy Bộ trưởng còn hiền quá”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân dẫn chứng: Nhiều lĩnh vực, thí dụ như ngành vật liệu xây dựng, ngành bất động sản trong thời gian vừa qua khi gặp khó khăn các Bộ trưởng, Thứ thưởng của ngành này thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo và đưa ra những yêu cầu đề nghị Quốc hội, đề nghị Chính phủ phải có những giải pháp hỗ trợ.
“Người nông dân vô cùng khó khăn nhưng tiếng nói của ngành còn nhẹ quá. Tôi rất mong Bộ trưởng thể hiện sự mạnh mẽ hơn trong những kiến nghị, giải pháp của mình. Phải gấp rút hỗ trợ cho nông nghiệp và nông dân hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn bằng những gói hỗ trợ hết sức cụ thể” – đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Trước đó, trong phần trả lời chất vấn của Đại biểu Trần Hoàng Ngân về giải pháp đột phá giúp cho nền nông nghiệp phát triển bền vững, nông dân thoát nghèo, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Đúng là trước tình hình khó khăn hiện nay của nông nghiệp thì chúng tôi càng thấy rõ hơn những vấn đề và những nguyên nhân đặt ra đối với ngành. Chúng tôi thấy rằng giải pháp quan trọng có tính chất đột phá đối với ngành, đó là triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn”.
Bộ NN-PTNT đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng đã phê duyệt đề án này và sắp tới sẽ triển khai trong toàn ngành thực hiện.
Về câu hỏi, “Có cần một gói giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho nông dân để nông dân vượt qua khó khăn”, Bộ trưởng cho biết: Hiện nay khó khăn lớn nhất mà ngành nông nghiệp là thị trường. Lúa đang chín đầy đồng khắp từ Nam tới Bắc, trái cây cũng rất nhiều, lợn gà cũng rất nhiều, cá tra cũng rất nhiều nhưng chính vì thị trường gặp khó khăn nên giá xuống, thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nông dân không lãi 30% như mong đợi
Chính phủ đã có chủ trương như đối với lúa gạo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp cấp tốc mua 1 triệu tấn gạo để tạm trữ, để hỗ trợ giữ giá cho nông dân. Khi Chính phủ vừa mới ban hành chủ trương thì mấy hôm nay giá lúa của Đồng bằng Sông Cửu Long cũng đã nhích lên có nơi 100 - 200 đồng/kg.
Mặt khác Chính phủ cũng chủ trương chỉ đạo ngành ngân hàng tăng cường cung cấp tín dụng cho nông dân để họ không phải bán vội lúa để trả nợ cho ngân hàng cũng như mua các loại vật tư cho vụ tiếp theo, duy trì đàn gia súc của mình. Mặt khác Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy mạnh xuất khẩu để tiêu thụ các loại nông sản cho bà con nông dân, như vậy giữ giá cho nông dân. Chắc chắn bà con nông dân ở Bạc Liêu, ở Sóc Trăng những ngày này rất mong có sự hỗ trợ để nhanh chóng cải thiện hệ thống hạ tầng ở các vùng nuôi tôm công nghiệp để phòng, chống dịch bệnh. “Nhưng đấy là giải pháp trước mắt, chúng ta cần có những giải pháp lâu dài, những giải pháp lâu dài đó nằm ở trong đề án tái cơ cấu” – Bộ trưởng khẳng định.
Xung quanh chủ trương mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân, Bộ trưởng Phát khẳng định: Đề xuất mua tạm trữ lúa gạo là biện pháp hỗ trợ thị trường chứ không phải là bao tiêu nông sản cho nông dân. Lịch thu hoạch ở các tỉnh rất khác nhau nên không thể có một chương trình mua đáp ứng hết tất cả. Liên quan trực tiếp đến chủ trương mua tạm trữ thì việc hỗ trợ lãi suất là vào doanh nghiệp, nhưng nông dân được hưởng lợi ở chỗ giá lúa nâng lên. Cụ thể qua việc hỗ trợ lãi suất thì doanh nghiệp được lợi hơn 200 tỉ đồng, còn nhờ giá lúa nâng lên nên cứ 1 triệu tấn lúa thì nông dân được lợi thêm (so với giá không có chủ trương hỗ trợ mua) 100-150 tỉ đồng, “Vừa qua chúng ta thu hoạch 11 triệu tấn lúa, không phải tất cả số này đều được hưởng lợi từ giá lúa nâng lên, nhưng trong đó cứ 1 triệu tấn lúa thì bà con được hưởng lợi thêm như nêu trên” – Bộ trưởng dẫn chứng.
Cũng theo Bộ trưởng Phát, để nông dân trồng lúa có lãi trên 30% thì giải pháp căn cơ và quyết định nhất vẫn là xuất khẩu. Còn với giá lúa tại ruộng giảm sâu như hiện nay, người nông dân không thể có lãi 30% như mong đợi./.
Về những nhiệm vụ lâu dài và căn cơ của ngành, Bộ trưởng nêu rõ, cần đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao khoa học, kỹ thuật, trong đó đặc biệt là nâng cấp và cải tiến các loại giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ nông dân để áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để tăng năng suất giảm giá thành và nâng cao chất lượng của sản phẩm và tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng để giúp cho nông dân sản xuất ổn định và có hiệu quả.
“Ngành nông nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước mạnh mẽ hơn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn” – Bộ trưởng khẳng định.