Các “tư lệnh” ngành đã thẳng thắn, trách nhiệm đi đến tận cùng vấn đề
VOV.VN - Việc tranh luận để đi đến cùng của một vấn đề đã góp phần làm rõ hơn về trách nhiệm của tập thể Bộ, ngành hay cá nhân từng thành viên Chính phủ.
Tuần qua, bên cạnh việc tập trung cho công tác lập pháp, Quốc hội đã dành trọn 3 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân cả nước, các đại biểu Quốc hội đã làm rõ thực trạng kinh tế - xã hội và những bất cập, yếu kém của nước ta hiện nay để cùng với các thành viên Chính phủ tìm giải pháp khắc phục hữu hiệu.
Điểm mới của Kỳ họp lần này là Quốc hội dành thêm nửa ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Do vậy, nhiều vấn đề xã hội quan tâm đã được các đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ trao đi đổi lại để làm sáng tỏ thêm. Việc tranh luận để đi đến cùng của một vấn đề đã góp phần làm rõ hơn về trách nhiệm của tập thể bộ, ngành hay cá nhân từng thành viên Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thừa nhận trách nhiệm của mình về một số thiếu sót của ngành, nhưng cũng đã làm rõ nhiều giải pháp mang tính chiến lược, khả thi để ngành Nông nghiệp tới đây thực hiện cho được 2 mục tiêu cao nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ sản xuất.
Lần đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã có một diễn đàn để giãi bày những sự việc ồn ào dư luận gần đây thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của Bộ. Việc Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép 300 ca khúc cách mạng được ví như "ngồi bên biển đi đếm dã tràng" hay một vị Thứ trưởng gửi công văn yêu cầu Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng giải trình việc phát ngôn... không chỉ phơi bày cách làm thiếu tính chuyên nghiệp mà còn biểu hiện rõ của sự níu kéo cơ chế xin - cho đang được Chính phủ và xã hội tìm cách dẹp bỏ.
Không dừng lại ở đó, mà những vấn đề lớn hơn của ngành Văn hóa, thể thao, du lịch cũng đã được các đại biểu đề nghị "tư lệnh" ngành có giải pháp căn cơ hơn để gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam hiện đang đứng trước nguy cơ ngày càng mai một.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn. |
Trước thực trạng về thái độ ứng xử thiếu tôn trọng với bệnh nhân, tình trạng vòi vĩnh tiền phong bì của một bộ phận y, bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận có tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Tuy nhiên, hiện toàn ngành đã có chương trình đổi mới toàn diện, áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục hạn chế tình trạng này, ví dụ như công khai đường dây nóng, lắp đặt camera, ra chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp cố tình sai phạm. Do vậy, trong thời gian gần đây, đã có hơn 7.000 cán bộ y tế bị xử lý kỷ luật.
Cũng tại phiên chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận được nhiều ý kiến phản biện nhất từ các đại biểu Quốc hội. 19 ý kiến tham gia tranh luận tại hội trường phần nào đã làm rõ thêm bức tranh tối - sáng về kinh tế - xã hội đang hiện hữu. Những tranh luận, phản biện lại từ các đại biểu Quốc hội cho thấy, cử tri và nhân dân cả nước đang hết sức quan tâm và lo lắng trước tình trạng đầu tư dàn trải, giải ngân vốn đầu tư công chậm hay những vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công... dù đã nói rất nhiều lần nhưng nhúc nhích rất chậm.
Một điểm nhấn của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này là với mỗi nhóm vấn đề chất vấn, các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực đã trực tiếp tham gia giải trình, làm rõ thêm những nội dung vượt quá thẩm quyền quản lý của một Bộ, thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ, từ đó đã có nhiều giải pháp đúng tầm mang tính bao quát hơn.
Cũng trong tuần qua, Quốc hội đã thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015, thảo luận các dự án Luật quản lý nợ công, Luật tố cáo sửa đổi. Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật đường sắt (sửa đổi), Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát Quốc hội năm 2018.
Theo chương trình của tuần làm việc cuối cùng, trước khi bế mạc dự kiến vào ngày 21/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, biểu quyết thông qua một số Nghị quyết, Dự án luật quan trọng như, Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Luật thủy lợi và Luật du lịch (sửa đổi)./.