Càng nhiều người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, dân chủ càng mở rộng
VOV.VN - Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Chúng ta nên khuyến khích những người tự ứng cử vì điều này thể hiện tính dân chủ sâu rộng trong xã hội ta.
“Tôi rất mừng vì nếu như trong trường hợp ở các tỉnh, thành phố nhiều người tự ứng cử thì điều đó chứng tỏ ý thức chính trị của người dân đã được nâng lên một mức rất cao. Chúng ta nên khuyến khích những người tự ứng cử vì điều này thể hiện tính dân chủ sâu rộng trong xã hội ta”- bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam nhấn mạnh trong trả lời phỏng vấn VOV.VN
ĐBQH khối doanh nghiệp đã hoàn thành tốt vai trò của mình
PV: Bà đã tham gia nhiều khóa ĐBQH, bà đánh giá như thế nào về tiếng nói đại diện cho khối doanh nhân ở diễn đàn Quốc hội?
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Trong Quốc hội Khóa XIII có khoảng 40 đại biểu Quốc hội đại diện cho các doanh nghiệp, các tổ chức, các hiệp hội. Quốc hội khoá XIII cũng đã quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc xây dựng thể chế kinh tế. Các đại biểu Quốc hội là đại diện cho khối doanh nghiệp cũng đã có rất nhiều đóng góp trong việc xây dựng các thể chế này.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam |
Tại mỗi kỳ họp, Quốc hội đều quyết nghị những vấn đề quan trọng của đất nước: những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề nóng mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm được đưa vào giám sát... Trong tiến trình xây dựng luật pháp, hoạt động giám sát hay quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước đều có sự tham gia tích cực của các ĐBQH là doanh nghiệp và doanh nhân.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường thăm và tặng quà gia đình có con em đang công tác tại quần đảo Trường Sa ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) |
PV: Đại hội Đảng lần thứ XII có nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân. Tuy vậy trong khóa Quốc hội tới, đại diện của khối này tham gia vào Quốc hội lại giảm đáng kể so với các khóa trước. Liệu như vậy có phản ánh được đầy đủ tiếng nói của khối này trong việc đóng góp vào diễn đàn Quốc hội, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Theo tôi, hiệu quả hoạt động của Quốc hội căn cứ rất nhiều vào chất lượng của đại biểu Quốc hội. Nói như thế có nghĩa là số lượng chưa chắc đã quyết định được chất lượng. Cho nên, những đại biểu đại diện cho khối doanh nghiệp và doanh nhân, thông qua thực tiễn hoạt động trên nghị trường của mình, được cử tri theo dõi và đánh giá là thật sự xứng đáng thì các đại biểu ấy vẫn hoàn toàn là người xứng đáng đại diện cho tiếng nói của khối doanh nghiệp, doanh nhân, để phản ánh tâm tư của người dân, của doanh nghiệp trên diễn đàn Quốc hội.
PV: Có nhiều đại biểu thực tế chưa phát huy được vai trò của mình, thậm chí có người bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH. Theo bà làm thế nào để nâng cao chất lượng đại biểu trong khóa này?
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Tôi cho rằng quá trình sàng lọc với 3 vòng hiệp thương và ở từng vòng hiệp thương Hội đồng bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam đã làm rất cẩn thận, kỹ lưỡng và chu đáo.
Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức khi giới thiệu đại biểu ứng cử cũng đều sàng lọc rất kỹ lưỡng với mong muốn tìm người xứng đáng đại diện cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là ứng cử viên đó có được cử tri tín nhiệm hay không. Quy trình lựa chọn mặc dù kỹ lưỡng như vậy nhưng cuối cùng ứng cử viên không được cử tri tín nhiệm cao thì cũng không trở thành đại biểu nhân dân được.
Theo tôi, với 3 vòng Hiệp thương hết sức kỹ càng như vậy thì quan trọng nhất ứng cử viên phải đạt được tín nhiệm cao của cử tri.
Càng nhiều người tự ứng cử, càng thể hiện tính dân chủ sâu rộng
PV: Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành thì số lượng người tự ứng cử ĐBQH tăng hơn nhiều so với các khóa trước. Về cá nhân bà, bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã thông qua một văn kiện lịch sử là Hiến pháp (sửa đổi). Bản Hiến pháp (sửa đổi) quy định rất rõ về quyền con người, quyền công dân. Tôi rất mừng vì nếu như trong trường hợp ở các tỉnh, thành phố có nhiều người tự ứng cử thì điều đó chứng tỏ ý thức chính trị của người dân đã được nâng lên một mức rất cao. Chúng ta nên khuyến khích những người tự ứng cử vì điều này thể hiện tính dân chủ sâu rộng trong xã hội ta.
Với tư cách là một công dân của Việt Nam tôi cảm thấy rất phấn khởi vì ngày càng có nhiều người tự ứng cử ĐBQH. Tôi cho rằng chúng ta nên khuyến khích những người hội tụ đủ những tố chất như tâm, tài, trí có nhiệt huyết, có uy tín trong cộng đồng ra ứng cử ĐBQH để góp phần xây dựng đất nước.
PV: Qua các vòng Hiệp thương, đặc biệt là Hội nghị lấy ý kiến cử tri, bà có cho rằng những người tự ứng cử “lép vế” hơn so với những người được các cơ quan, tổ chức giới thiệu?
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Tôi không cho là thế, vì ở ngay Quốc hội khóa XIII và ở các khóa trước cũng đã có rất nhiều đại biểu tự ứng cử nhận được sự tín nhiệm cao của nhân dân. Trên thực tế, ứng cử viên được giới thiệu và người tự ứng cử đều bình đẳng trước pháp luật. Càng nhiều hồ sơ tự ứng cử thì chúng ta càng có điều kiện để lựa chọn được những đại biểu có chất lượng tốt hơn.
Khi đã được vào danh sách ứng cử chính thức và được phân bổ về các đơn vị bầu cử thì vị thế của các ứng cử viên là như nhau. Theo tôi, điểm mấu chốt là các ứng cử viên ĐBQH phải thông qua Chương trình Hành động của mình để đạt được tín nhiệm của cử tri, phải chứng minh được rằng mình xứng đáng với sự tin tưởng và ủy nhiệm của cử tri thì mới được người dân lựa chọn bầu làm ĐBQH.
PV: Xin cảm ơn bà./.