Cấp xã có thẩm quyền công bố dịch bệnh?
VOV.VN -Thẩm quyền công bố dịch trong dự thảo Luật Thú y vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 19/1 đang được thiết kế theo 2 phương án.
Quy định rõ để tránh đùn đẩy, ỷ lại
Về thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn được quy định trong dự thảo Luật Thú y, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, có 3 loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn ở địa phương nên phân cấp đến Chủ tịch UBND cấp xã như quy định tại Điều 26 dự thảo Luật vì trên thực tế có những ổ dịch quy mô nhỏ. Đây là phương án được Chính phủ trình và được một số ĐBQH tán thành khi phát biểu tại tổ và Hội trường tại kỳ họp thứ 8.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị nên phân cấp thẩm quyền công bố dịch động vật trên cạn ở địa phương đến Chủ tịch UBND cấp huyện. Đây là ý kiến được nhiều ĐBQH, ý kiến tại các Hội nghị, hội thảo tán thành vì có tính khả thi hơn, phù hợp với năng lực thực tế của chính quyền cấp huyện hiện nay, đồng thời tăng thêm trách nhiệm của chính quyền cơ sở đối với việc kiểm soát dịch bệnh tránh tình trạng đùn đẩy, ỷ lại, trông chờ cấp tỉnh phân công rồi mới thực hiện.
Loại ý kiến thứ ba, đề nghị giao thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh như quy định của Pháp lệnh Thú y hiện hành vì lý do cấp huyện, cấp xã hiện nay còn rất khó khăn về các điều kiện đảm bảo cho việc công bố dịch cũng như huy động nguồn lực tổ chức chống dịch.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhấn mạnh, về bản chất việc công bố dịch nhằm xác lập vùng có dịch để có biện pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Việc công bố dịch cần phải kịp thời, chính xác để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Hiện tại, thẩm quyền công bố dịch tại địa phương được giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo Pháp lệnh Thú y hiện hành (Điều 17). Tuy nhiên, thực tiễn việc thực thi quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập như: không rõ trách nhiệm chính quyền huyện, xã với công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; việc công bố dịch có thời điểm chưa kịp thời, có tình trạng “giấu dịch”, “chậm công bố dịch” làm dịch bệnh lây lan không thể kiểm soát…
Hơn nữa, việc quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố dịch dễ tạo tâm lý toàn tỉnh đó có dịch bệnh, gây tác động bất lợi cho việc kinh doanh động vật và sản phẩm động vật ở tỉnh/thành phố đã công bố dịch.
Băn khoăn về thẩm quyền của cấp xã
Thẩm quyền công bố dịch trong dự thảo luật hiện đang được thiết kế theo hai phương án. Theo đó, phương án 1 quy định thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn được phân cấp đến Chủ tịch UBND cấp xã.
Cụ thể, Chủ tịch UBND cấp xã căn cứ vào đề nghị của nhân viên thú y cấp xã, quyết định công bố dịch bệnh động vật trong phạm vi xã khi có đủ các điều kiện: Có ổ dịch bệnh động vật thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch xảy ra và đang có chiều hướng lây lan nhanh trên diện rộng hoặc phát hiện có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới; Có kết luận chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh của cơ quan có thẩm quyền chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật.
Chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ vào đề nghị của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện, quyết định công bố dịch bệnh động vật khi có đủ các điều kiện trên và dịch bệnh xảy ra từ 2 xã trở lên. Dịch bệnh xảy ra từ hai huyện trở lên sẽ do UBND tỉnh quyết định công bố dịch.
Phương án 2 chỉ quy định thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn ở địa phương được phân cấp tới Chủ tịch UBND cấp huyện.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị nên phần biệt nhóm dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người và liên quan đến kinh tế.
Theo đó, dịch gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người thì cấp xã công bố ngay, cùng với đó là khoanh vùng, tổ chức diệt trừ chứ không thể chờ huyện hay tỉnh. Cấp tỉnh và huyện triển khai với cấp xã để xử lý.
Về dịch liên quan đến kinh tế, ông Ksor Phước đề nghị phân cấp tới cấp huyện công bố dịch nhưng phải có chứng minh rõ ràng nếu không sẽ tác động tiêu cực, ảnh hưởng dây chuyền.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển thì băn khoăn: “Liệu cấp xã có đủ trình độ, thẩm quyền công bố dịch không? Điều này rất quan trọng, vì chỉ vài ba con gà chết mà đã công bố thì dễ dẫn đến gây thiệt hại lớn”.
Nhấn mạnh vấn đề thú y nhưng lại rất liên quan đến vấn đề y tế chung, liên quan đến con người, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu ý kiến: “Bữa ăn hàng ngày cũng từ đây. Đây là một trong những khâu quan tọng trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các nước đề cao việc này và quy định rất rõ cả về con người, trách nhiệm, hành động...”./.