Chính phủ còn nợ đọng 53 văn bản pháp luật
VOV.VN -Trong số này có17 nghị định, 03 quyết định, 28 thông tư, 05 thông tư liên tịch.
Theo báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra, tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 188/241 văn bản (122 nghị định, 10 quyết định, 51 thông tư, 05 thông tư liên tịch), đạt 78,01%; còn nợ 53/241 văn bản (17 nghị định, 03 quyết định, 28 thông tư, 05 thông tư liên tịch), chiếm 21,99%.
Chính phủ thừa nhận, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu về triển khai thi hành luật, pháp lệnh, văn bản quy định chi tiết được ban hành không bảo đảm tính kịp thời có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh còn diễn ra phổ biến. Trong tổng số các văn bản đã được ban hành chỉ có một số ít văn bản bảo đảm quy định văn bản quy định chi tiết thi hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh hoặc nội dung có liên quan của luật, pháp lệnh chẳng hạn như Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng.
“Tình trạng nợ đọng văn bản không những không giảm mà còn tăng cao hơn so với thời điểm Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, một số văn bản vẫn phải điều chỉnh tiến độ, thời gian trình, ban hành” – báo cáo nhấn mạnh.
Đến nay, còn nợ đọng 53 văn bản (17 nghị định, 03 quyết định, 28 thông tư, 05 thông tư liên tịch).
Còn tình trạng một số văn bản chưa bảo đảm chất lượng, có nội dung thiếu tính khả thi, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, văn bản mới được ban hành nhưng đã có nội dung cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, chẳng hạn như Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, Nghị định số 55/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 54 của Bộ luật Lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động...
Chính phủ cũng nghiêm túc nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn một số tồn tại, hạn chế, nhất là tình trạng chậm ban hành, nợ đọng văn bản quy định chi tiết dẫn đến một số trường hợp luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành, nhưng còn có quy định chưa được áp dụng do phải chờ văn bản quy định chi tiết. Bên cạnh đó, còn có trường hợp văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có nội dung không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, thiếu tính khả thi, gây phản ứng trong dư luận xã hội. Những điều này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của luật, pháp lệnh, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Theo chương trình làm việc, chiều nay (21/5) các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội./.