Chính sách hỗ trợ trẻ mồ côi do Covid-19 đã có nhưng tiền đến tay các cháu chưa?
VOV.VN - Tới nay vẫn chưa có số liệu báo cáo chính thức về việc các địa phương đã thống kê đầy đủ số lượng, hoàn cảnh của các cháu nhỏ mồ côi cha mẹ do Covid-19 và đã thực hiện các chính sách hỗ trợ đến tận tay các cháu hay chưa.
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận Quốc hội chiều nay (1/6), đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, đoàn Hải Dương bày tỏ quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là vấn đề chăm sóc trẻ mồ côi không nơi nương tựa sau đại dịch.
Dẫn thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp từ các tỉnh, thành phố đến ngày 15/2/2022, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết, toàn quốc có 4.335 trẻ em mồ côi do Covid-19, trong đó 184 trẻ mồ côi cả cha và mẹ, các cháu đều đang sống cùng gia đình hoặc người thân. Như vậy, có thể thấy trẻ em mồ côi đang được chăm sóc, thay thế trong môi trường gia đình, bảo đảm điều kiện sinh sống và phát triển tốt nhất cho trẻ em.
“Các chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho các cháu đã được ban hành và đang được thực hiện cùng với các chính sách bảo trợ xã hội thường xuyên khác. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có số liệu báo cáo chính thức về việc các địa phương đã thống kê đầy đủ số lượng hoàn cảnh của các cháu và đã thực hiện các chính sách hỗ trợ đến tận tay các cháu hay chưa”, đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu đoàn Hải Dương kiến nghị Chính phủ và các địa phương cần xác định chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ không nơi nương tựa là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tình hình đất nước sau đại dịch, có chính sách, giải pháp lâu dài hỗ trợ cho các cháu, hỗ trợ về vật chất cho các cháu gặp khó khăn, nhưng quan trọng hơn là tư vấn tâm lý để động viên các cháu vượt qua khó khăn, khủng hoảng, tiếp tục học tập, phấn đấu trong điều kiện tốt nhất.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cũng lo ngại về việc phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là phòng, chống đuối nước. Đại biểu cho biết, chỉ trong tháng 4 và đầu tháng 5/2022 báo chí đã liên tục đưa tin về các vụ trẻ em tử vong do đuối nước hết sức đau lòng ở Thanh Hóa, Bình Định, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Nội, có miền núi, miền xuôi, có đô thị, nông thôn và nhiều nhất là ở nông thôn.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau lòng này, đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, hiện nay trẻ em còn thiếu kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường nước, không chỉ là kỹ năng bơi mà là kỹ năng bơi an toàn. Vấn đề thứ hai là sự thiếu hụt nơi vui chơi, giải trí công cộng cho trẻ em. Kỹ năng bơi an toàn đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương để đào tạo cho các em. Điều khó là kinh phí đầu tư bể bơi cho các em thực hành, đây là vấn đề cần được quan tâm giải quyết.
Bên cạnh đó, vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em cũng được đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đưa ra để bàn luận. Theo đại biểu, qua khảo sát thực tiễn tại địa phương, hiện nay công tác tâm lý học đường chủ yếu do các giáo viên chủ nhiệm đảm trách. Nhưng không phải thầy cô nào cũng có kỹ năng, kiến thức về tâm lý học và không phải trường hợp nào học sinh cũng tin tưởng để mở lòng với giáo viên về vấn đề của mình. Do đó, nhiều giáo viên kiến nghị cần phát triển mạng lưới các cơ sở dịch vụ khám, tư vấn tâm lý chuyên nghiệp và cung cấp cho các nhà trường, các thầy cô danh sách về các bác sĩ, các phòng khám tâm lý chuyên nghiệp để các nhà trường, các thầy cô phối hợp tham vấn và giới thiệu cho học sinh, cha mẹ học sinh khi cần thiết.
Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế nghiên cứu thực hiện cùng với các giải pháp khác để hoàn thành chỉ tiêu của chương trình sức khỏe học đường là đến năm 2025 có 50% học sinh phổ thông được phổ biến, tư vấn về sức khỏe, tâm thần, tâm sinh lý lứa tuổi.
Những vấn đề đặt ra trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cần được toàn xã hội quan tâm, trong đó trực tiếp nhất là công chức làm công tác trẻ em cấp xã. Tuy vậy, hiện nay theo quy định của Bộ Nội vụ, một công chức văn hóa xã hội cấp xã phụ trách 17 lĩnh vực không đủ thời gian, vật chất để thực hiện toàn bộ 10 nhiệm vụ mà Luật Trẻ em giao.
Nhiều trường miền núi chưa được tiếp cận chương trình “Sữa học đường”
Trong khi đó, đại biểu Lê Thu Hà, đoàn Lào Cai lại lo ngại về vấn đề suy dinh dưỡng của trẻ em hiện nay. Theo số liệu của giám sát dinh dưỡng thường niên được thực hiện vào năm 2019 thì ở Việt Nam ước tính có khoảng 230.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng, đặc biệt là suy dinh dưỡng nặng cấp tính có tỷ lệ cao ở các địa bàn miền núi phía Bắc, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Theo con số ước tính mới nhất của các tỉnh như Điện Biên, dân số 575.000 người thì có khoảng 2.500 trẻ suy dinh dưỡng nặng cấp tính; Lào Cai dân số khoảng 754.000 người thì có 3.405 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính, trong đó có 814 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng, số trẻ suy dinh dưỡng nặng cấp tính chiếm khoảng 0,5% dân số và đối với các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số khác cũng tương tự như vậy.
Đại biểu Lê Thu Hà cho rằng, phòng và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng là một trong những mục tiêu chính của Chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có chính sách cũng như nguồn tài chính từ ngân sách trung ương hoặc địa phương cho các can thiệp quản lý lồng ghép suy dinh dưỡng cấp tính, hậu quả là có tới 90% các trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng không được điều trị.
Chương trình Sữa học đường được rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp quan tâm trong thời gian qua nhưng nhiều trường miền núi vẫn chưa tiếp cận được nội dung này. Để mở rộng can thiệp này trên phạm vi toàn quốc, đại biểu Lê Thu Hà đề nghị cần luật hóa việc điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng với cơ chế chi trả bền vững thông qua Quỹ Bảo hiểm y tế, đồng thời, xem xét bố trí ngân sách riêng cho nội dung bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em miền núi./.